TP Hồ Chí Minh: Vì sao hàng quán không mặn mà khi được mở cửa trở lại?
TP Hồ Chí Minh lý giải vì sao “đi chợ hộ” nhưng bị “bom hàng” không nhận TP Hồ Chí Minh cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động theo hình thức mang đi |
Nhiều hàng quán kinh doanh ăn uống vẫn đóng cửa dù TP đã cho phép bán hàng mang đi |
Chiều tối 10/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, qua thống kê cho thấy, tình hình mở lại các quán ăn số lượng đúng là có thấp và cũng có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là cách thức vận hành phải tuân thủ theo quy định tại Công văn 2994 của UBND thành phố. Tức là phải đảm bảo an toàn phòng dịch bằng biện pháp “3 tại chỗ”, xét nghiệm cho nhân viên và chỉ được bán mang về qua shipper. Trong khi đó, lực lượng shipper hiện nay chỉ hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện được quản lý nên không thể giao hàng.
Thứ hai, cách tiếp cận nguồn nguyên liệu hiện nay cũng đã thay đổi. Trước đây, các hàng quán được nhà cung cấp giao hàng nhưng bây giờ phải đặt hàng qua trung gian vì các nhà cung cấp không có giấy đi đường.
Thứ ba là khách hàng phải mua hàng qua shipper mà shipper chỉ được hoạt động trong 1 quận, huyện. Vì thế, các chủ hàng quán cũng cân nhắc rằng không thể có được số lượng khách hàng lớn như trước đây nên khó đảm bảo lợi nhuận. Do đó, cuối cùng chủ hàng quán e dè chưa mở cửa buôn bán trở lại.
Tuy nhiên, với nguyên nhân các hàng quán cho rằng thiếu nguyên liệu sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết việc này thiếu khách quan. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 7.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Danh sách hộ kinh doanh cá thể về dịch vụ ăn uống do chính quyền cấp quận, huyện cấp phép lên đến hàng chục nghìn đơn vị.
“Do đó, việc tiếp cận thông tin từ vài nơi để nói về tình hình chung là chưa khách quan, chưa chính xác mà đó chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ. Về nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống chủ yếu là tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả, còn lại là gia vị. Hiện nay, tất cả đều không thiếu hàng nên nói thiếu nguyên liệu là không đúng”, ông Phương nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung ứng hàng hóa không phải chỉ do shipper liên quận, huyện mới đáp ứng được mà vấn đề này do việc điều phối cung ứng hàng hóa của từng địa phương. Hiện nay, shipper thường đáp ứng một số nhu cầu đặt hàng trực tuyến là chính, còn nguồn cung hàng hóa nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống phụ thuộc vào các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng.
Đối với việc cấp giấy đi đường cho các nhà cung cấp, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, hiện nay, thông qua tổng hợp của các quận, huyện gửi lên thì đơn vị chưa nhận được nội dung tham mưu liên quan đến việc cấp phép này. Nguyên nhân có thể do văn bản mới nên đang trong quá trình thực hiện. Sắp tới, trên cơ sở thẩm định của chính quyền địa phương, các đơn vị thuộc ngành công an sẽ phối hợp cấp giấy đi đường cho các đối tượng trên nếu đủ điều kiện.
Các hàng quán cafe, ăn uống hoang vắng, chưa mặn mà mở cửa trở lại vì khách hàng nội quận quá ít |
Mới đây, ngày 10/9, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã có Công văn 3488 gửi Thủ trưởng Công an các đơn vị địa phương về việc triển khai thực hiện theo Công văn 2994 ngày 8/9 của UBND TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Phòng PC08, công an cấp huyện, cấp xã phối hợp thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động của các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng kí kinh doanh); Thực hiện cấp giấy đi đường theo nguyên tắc tối thiểu cần thiết đối với doanh nghiệp, cơ sở.
Ngoài ra, ngành Công an cũng sẽ cùng các đơn vị thực hiện kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh (hoạt động 3 tại chỗ, chỉ bán mang đi, tổ chức kinh doanh qua ứng dụng trực tuyến, người lao động được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin và thực hiện xét nghiệm âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.