Trà sữa Thái Lan không nhãn mác: “Treo đầu dê bán thịt chó”
Khuất mắt trông coi
Có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm nay nhưng sức hút của trà sữa trân châu đối với giới trẻ vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trước đây, người dân muốn uống trà sữa thì phải đến các quán chuyên kinh doanh trà sữa thưởng thức. Còn bây giờ, để phục vụ nhu cầu của “thượng đế”, ngày càng có nhiều người tham gia “sản xuất” và kinh doanh trà sữa ngoài vỉa hè và trên mạng Internet. Chất lượng mặt hàng này rất khó kiểm soát.
Lướt mạng xã hội Facebook, chúng ta dễ dàng nhận thấy có đến hàng chục, thậm chí hàng trăm địa chỉ Facebook kinh doanh trà sữa trân châu. Chỉ cần vài lời giới thiệu và một bức ảnh chụp sản phẩm là người bán đã có thể lôi kéo hàng nghìn thượng khách vào đặt hàng.
Qua tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, hầu hết các loại trà sữa rao bán trên mạng đều được đóng vào các loại chai nhựa tái chế có dung tích từ 330ml – 500ml và không hề có nhãn mác, thậm chí trên trang Facebook cá nhân cũng không thể hiện địa chỉ rõ ràng. Lần theo số điện thoại của một của hàng kinh doanh trà sữa trên mạng, tôi được người bán giới thiệu về sản phẩm trà sữa có nguyên liệu nhập khẩu từ Thái Lan, quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo hợp vệ sinh và có giá rẻ bất ngờ, chỉ từ 15.000 đồng một chai 330ml, 20.000 đồng một chai 500ml. Sau khi nghe giới thiệu về sản phẩm, tôi liền đặt hai chai trà sữa và được hẹn sau 20 phút sẽ nhận được sản phẩm.
Đúng như lời hứa của cửa hàng, khoảng 20 phút sau có một người mang trà sữa đến địa chỉ được cho sẵn. Quan sát hai chai trà sữa, tôi nhận thấy đây là loại chai nhựa trong, giống như vỏ chai nước khoáng. Trên thân chai nước không hề có nhãn mác hay một dòng chữ nào giới thiệu về sản phẩm. Nút chai cũng chỉ được xoáy chặt vào chứ không được bao bọc bởi một lớp nilon. Như vậy, người mua có thể dễ dàng đoán được chai trà sữa này được sản xuất và chế biến tại nhà với phương pháp hoàn toàn thủ công chứ không hề có một quy trình sản xuất hiện đại nào như lời quảng cáo.
Không chỉ rao bán trà sữa làm sẵn, trên mạng xã hội Facebook còn bán đủ các loại nguyên liệu để làm trà sữa như: Bột trà sữa, trân châu, thạch, hương liệu, thậm chí cả vỏ chai đựng trà sữa. Thiết nghĩ, chỉ cần xem lướt qua khách hàng cũng dễ dàng nhận ra những loại trà sữa này đều không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn thường xuyên mua về cả gia đình thưởng thức với tâm lý “khuất mắt trông coi”.
Chị Lê Thị Huyền (ở Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Bọn trẻ nhà tôi rất thích uống trà sữa trân châu. Tôi lại chẳng có thời gian tự làm cho chúng uống nên toàn đặt ở trên mạng, trưa đặt hàng, chiều có ngay. Tôi cũng nghe nhiều người nói, nguyên liệu làm ra trà sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng thôi “khuất mắt trông coi”.
Bên cạnh trường hợp như của chị Huyền, nhiều khách hàng luôn nghĩ, mua quen của một hàng thì người bán sẽ làm cẩn thận và đảm bảo vệ sinh hơn. “Trăm người bán, vạn người mua”, ai bán hàng chẳng hứa hẹn vì việc của họ là làm hài lòng khách hàng để bán sản phẩm. Vậy nên, đặt lòng tin không đúng chỗ, rất có thể khách hàng sẽ là người phải lãnh hậu quả.
50% chai tái sử dụng đều nhiễm khuẩn
Không chỉ rao bán trên mạng, trà sữa Thái Lan còn được bán ở nhiều cửa hàng, quán nước, trước cổng công viên, trường học trên địa bàn Hà Nội. Theo lời kể của Trần Thu Hồng (một người bán trà sữa tại Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Công thức chung của các loại trà sữa là được pha chế từ một loại lá trà của Thái Lan. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhiều người bán đã mua các loại bột trà để tự pha và bán. Bột này cũng chỉ được đựng trong những túi nilon trong mà không có nhãn mác gì. Những người bán như chúng tôi cũng không biết loại bột này có nguồn gốc từ đâu”.
Theo lời chỉ dẫn của chị H, chúng tôi tìm đến địa chỉ bán loại bột trà pha sẵn trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, các loại bột pha sẵn được bày bán bạt ngàn, với đủ chủng loại xuất xứ, giá cả. Bà Linh, chủ một cửa hàng bán các sản phẩm phụ gia, pha chế, cho biết: “Dạo gần đây, bột trà sữa Thái lan rất “hot”, nên giá cao khoảng hơn 300.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều người bán hàng chỉ mua loại của Trung Quốc, mùi vị đảm bảo y hệt mà rẻ bằng 1/4 loại của Thái Lan. Loại bột có xuất xứ Trung Quốc được đựng trong cả bao to, nếu có khách mua chúng tôi mới mở ra múc sang một chiếc túi khác rồi cân”.
Theo quan sát của phóng viên, phía ngoài bao đựng loại bột trà sữa Trung Quốc không hề có nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm… Vì giá thành rẻ nên loại bột trà sữa của Trung Quốc được các cửa hàng mua nhiều và với số lượng lớn. Theo các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm, những loại bột này không có nguồn gốc rõ ràng, không có thông tin sản phẩm in trên bao bì, chính vì vậy cũng chưa được kiểm định về chất lượng cũng như về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên thực tế, nhiều cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Khi uống sẽ không khác với trà tự nhiên nhưng thực tế nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hóa học. Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng không thường xuyên thì không nguy hại nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu thêm các chất phụ gia vượt ngưỡng hoặc uống quá nhiều sẽ là gánh nặng cho gan, thận.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết: “Tất cả những loại bột dùng để pha chế nước giải khát nói chung đều có sử dụng một lượng lớn phẩm màu. Để tiết kiệm chi phí, rất nhiều loại được sử dụng màu công nghiệp. Điều này có ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng, nó có thể gây ngộ độc tùy theo mức độ, nếu sử dụng nhiều và dài ngày sẽ gây tích tụ độc tố trong cơ thể”.
Bên cạnh đó, việc các chủ cơ sở kinh doanh trà sữa đựng sản phẩm trong các chai nhựa tái chế cũng không đảm bảo vệ sinh. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Viện khoa học sức khỏe Canada cho thấy, gần 50% số các chai nhựa tái sử dụng được đưa vào thí nghiệm vẫn nhiễm khuẩn nặng nề dù đã khử sạch qua nước sôi hoặc khử trùng. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.