Trang bị kỹ năng ứng phó cháy nổ - việc cần làm thường xuyên, liên tục
Hà Nội: Các Tổ liên gia đồng loạt diễn tập chữa cháy và cứu nạn Hậu họa khôn lường từ chung cư mini, loại nhà ở biến tướng Người dân chung cư mách nhau cách ứng phó hỏa hoạn |
Đó là chia sẻ của cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Hà Đông, Hà Nội. Buổi tập huấn, tuyên truyền kỹ năng ứng phó, thoát nạn khỏi đám cháy đã được nhà trường phối hợp với Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an quận Hà Đông tổ chức sáng 15/9.
Các em học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Hà Đông được tuyên truyền về kỹ năng phòng cháy chữa cháy sáng 15/9 |
Điều đáng chú ý, không phải chỉ sau khi xảy ra sự cố cháy nổ, công tác tuyên truyền mới được nhà trường triển khai mà đây là việc làm thường xuyên, liên tục trong kế hoạch mỗi năm học.
Năm học 2023 - 2024, trường Tiểu học Lê Hồng Phong có hơn 1.000 học sinh. Trong đó, rất nhiều em gia đình đang sinh sống tại các tòa chung cư.
Đau xót khi nhắc tới sự mất mát quá lớn về người trong vụ cháy xảy ra ở chung cư mini tại phường Khương Đình, cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết công tác tuyên truyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà trường.
Nhiều năm nay, trường đã và đang phối hợp với Công an quận Hà Đông tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho học sinh và giáo viên. Sau buổi tập huấn cho học sinh vào sáng 15/9, ngày 30/9 tới đây, trường có buổi tập huấn riêng cho giáo viên về kỹ năng xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra.
Tuyên truyền kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh là việc làm quan trọng, cần thiết |
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, Trung úy Bùi Văn Kết - Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an quận Hà Đông, cho rằng, mỗi gia đình và người dân cần trang bị cho mình kiến thức về phòng cháy, cũng như bố trí lối thoát nạn thứ hai ở nhà để ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn.
Từ sau lễ khai giảng năm học mới, các cán bộ chiến sĩ thuộc Công an quận Hà Đông đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy tại nhà trường. Theo lịch, trong tháng 9/2023, 111 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận sẽ tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho giáo viên, học sinh.
Các học sinh được tập huấn kỹ năng sử dụng bình cứu hỏa |
Trung úy Bùi Văn Kết nhấn mạnh, sự cố cháy nổ xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Do đó, người dân và học sinh cần có các kỹ năng cơ bản để không còn nỗi đau do hỏa hoạn.
Theo đó, nếu thấy có khói trong nhà, chúng ta hãy giữ cơ thể mình ở vị trí gần sàn khi tìm đường thoát hiểm. Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Chúng ta sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể ở sát nền nhà.
Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài là lựa chọn đầu tiên nhưng chúng ta cũng có thể kiểm tra xem cửa sổ có thể là thoát ra được không. Thậm chí, cửa sổ trên tầng cao cũng có ích khi bạn cần giúp đỡ, từ lính cứu hỏa hay người khác.
Trung úy Bùi Văn Kết cũng khuyến cáo, khi có cháy, người dân tuyệt đối không sử dụng thang máy; Không nhảy từ tầng cao trừ khi có sự hướng dẫn của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Nếu đang ở trong phòng và muốn thoát ra ngoài, người dân phải kiểm tra nhiệt độ bằng cách đặt mu bàn tay lên cánh cửa hoặc tay nắm cửa. Nếu thấy ấm hoặc nóng, tuyệt đối không mở cửa và tìm lối thoát hiểm khác; Khi di chuyển cần lấy khăn vải ướt che vào mũi, miệng để không hít phải khói độc.
Để thoát nạn an toàn trong đám cháy, người dân phải thật bình tĩnh, trang bị các kiến thức về thoát nạn; Tại khu vực sinh sống và làm việc phải thường xuyên kiểm tra các điều kiện thoát nạn khi có cháy...
“Tôi hy vọng các em không chỉ có kiến thức, sẵn sàng thoát hiểm khi xảy ra sự cố mà sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền tới người thân, gia đình và xã hội, để không còn nước mắt, nỗi đau do cháy nổ gây ra”, cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong chia sẻ. |