Tránh chồng chéo trong quản lý thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh
Các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng quy trình giám sát phản ứng có hại của thuốc Hà Nội phấn đấu 100% người cao tuổi có thẻ BHYT giai đoạn 2026-2030 |
Quang cảnh phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: QH) |
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo cũng rà soát lại toàn bộ các chính sách để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh; Làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm”, theo đó đã chỉnh lý và hoàn thiện 10 nhóm chính sách.
10 nhóm chính sách này tập trung vào 5 giải pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân tại các vùng miền, công bằng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân; Bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: QH) |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại 2 kỳ họp.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một số nội dung cần làm rõ. Về đánh giá tác động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực Nhà nước và xã hội trong thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Nguồn lực tài chính, ngân sách, trang thiết bị khám chữa bệnh trong thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm, do đó sửa luật làm sao bảo đảm tính minh bạch, công khai, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh có khuôn khổ rõ để thực hiện nhiệm vụ.
Về một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ việc cần phân định nguồn kinh phí cho y tế dự phòng, việc sử dụng các nguồn kinh phí khác phục vụ việc khám chữa bệnh. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần làm rõ việc tránh chồng chéo trong quản lý giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh.
Báo cáo làm rõ một số nội dung, về phân định rõ việc kinh phí y tế dự phòng và kinh phí khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngân sách Nhà nước sẽ chi cho y tế dự phòng, còn khám chữa bệnh được chi bằng bảo hiểm y tế.
“Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), trong đó sẽ nêu rõ vấn đề này theo quy định chia sẻ rủi ro và “đóng - hưởng“, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Về thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết có nhiều loại bệnh chỉ cần điều trị bằng sản phẩm dinh dưỡng công thức, trong dự thảo luật đã làm rõ, phân định đây không phải là thực phẩm chức năng như thông thường. “Bộ Y tế sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và tiếp tục làm rõ thêm trong dự thảo Luật", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Tại phiên họp, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.