Trèo đỉnh Ngọc Linh săn “chuột quý tộc”
Mỗi chuyến đi săn, bà con đặt hằng trăm bẫy tại các hốc đá, gốc cây quanh vườn sâm Ngọc Linh
Sâm quý và “chuột quý tộc”
Khi những rương lúa đã chất đầy góc nhà, men rượu cần bắt đầu nồng lên thì những chàng trai dân tộc Xê Đăng (ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) lại khăn gói lên đỉnh Ngọc Linh săn “chuột quý tộc”. Món ẩm thực độc đáo này được dâng lên các vị thần trong lễ cúng, cưới hỏi và chiêu đãi thực khách vào dịp Tết.
Bà con xã Măng Ri đi săn chuột sâm trên núi Ngọc Linh cao 2.000m |
Xã Măng Ri nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum gần 100km, chủ yếu là đồng bào dân tộc Xê Đăng. Nhìn từ xa, Măng Ri có địa hình là một lòng chảo lớn, bốn bề bao quanh bởi dãy núi Ngọc Linh, độ cao từ 1.500 - 2.000m.
Khác các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, từ xa xưa đồng bào Xê Đăng đã biết làm ruộng bậc thang, tận dụng nguồn nước ngầm từ núi chảy ra để canh tác. Chính vì tạo được nguồn lương thực tại chỗ nên mọi gia đình không phải lo cái đói mùa giáp hạt. Măng Ri cũng được coi là vựa lúa lớn nhất huyện Tu Mơ Rông.
Lợi dụng địa hình, địa thế, đồng bào Xê Đăng còn biết tận dụng thời tiết, khí hậu để trồng sâm - một báu vật tự nhiên để gia tăng thu nhập, đổi đời trên xứ sở sương mù. Cũng chính vì có các loại dược liệu quý hiếm như sâm Ngọc Linh mà chuột rừng nơi đây cũng trở thành đặc sản. Loại chuột này chuyên đào trộm củ sâm quý có tuổi đời từ 3 năm trở lên để ăn. Chúng thích gặm nhấm hạt sâm, tha cả thân cây sâm về lót ổ. Vì vậy, thịt chuột sâm đặc biệt thơm ngon. Cũng từ đó, người dân nơi đây đã tặng cho chúng cái tên mỹ miều “chuột quý tộc”.
Dựa vào dấu chuột chạy để gài bẫy |
Sau khi thu hoạch vựa lúa cuối năm, người dân lại lên núi bắt chuột sâm, làm sạch rồi gác bếp cho khô để phục vụ các dịp lễ Tết như; Cúng nước giọt, cúng máng nước, mừng lúa mới và lễ cầu bình an…
Trò chuyện với chúng tôi, anh A Ngôm (36 tuổi, ở làng Đăk Dơn, xã Măng Ri) cho hay: “Ngoài lúa gạo là lương thực chính của làng, chúng tôi còn trồng thêm các loại sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập. Nhờ những loại sâm quý mà người dân ở đây đã đổi đời, kinh tế khá giả. Tuy nhiên, ở đây lại có loài chuột rừng chuyên đào bới củ và ăn những quả sâm Ngọc Linh chín đỏ. Để đề phòng phá hoại, chúng tôi đã làm những chiếc bẫy tre bắt chúng. Loài chuột sâm này được coi là ngon nhất vì chúng toàn ăn những sâm Ngọc Linh quý hiếm. Vì vậy, loại chuột rừng này khi bắt về được bà con sơ chế và gác bếp để mỗi dịp xuân về thì tiến dâng thần linh và đãi khách quý đến chơi, phục vụ những ngày lễ, cưới hỏi…”.
Do thích ăn sâm Ngọc Linh nên bà con quan niệm thịt chuột này rất quý |
Được biết, trên địa bàn xã Măng Ri có đến 90% dân số trồng các loại hồng sâm và 60% trồng sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh. Trừ những ngày mùa, khoảng thời gian còn lại, bà con đều lên rừng bảo vệ sâm tự trồng và diện tích Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã giao khoán. Đối với rừng sâm, con vật mà người dân còn sợ hơn cả kẻ trộm đó chính là chuột rừng.
Những chú chuột sâm được đánh lông và gác bếp, dành khi có khách quý và lễ Tết |
Săn chuột sâm trên đỉnh Ngọc Linh
Sau khi được nghe các già làng kể về loài “chuột quý tộc” hay còn gọi là chuột sâm, chúng tôi càng tò mò hơn về loài vật có thức ăn sang hơn cả con người. Những ngày cuối năm, khi đã hẹn được lịch, chúng tôi theo chân thanh niên Xê Đăng lên đỉnh Ngọc Linh săn “chuột quý tộc”. Từ xã Măng Ri, chúng tôi phải leo trèo vài ki-lô-mét đường rừng với hành trang là những chiếc bẫy tre dài, lương khô và áo mưa.
Những chú chuột sâm được đánh lông và gác bếp, dành khi có khách quý và lễ Tết |
Sau mấy tiếng đồng hồ, vượt qua những con dốc dựng đứng đoàn chúng tôi cũng kịp có mặt tại vườn sâm trên đỉnh Ngọc Linh khi mặt trời vừa đứng bóng. Lúc này, các chàng trai Xê Đăng lại chia nhau khoảng chục bẫy tre rồi đi quanh vườn sâm gài và kiểm tra những chiếc bẫy cũ xem có chú chuột nào mắc không. Nhìn những chiếc bẫy tre đơn sơ, mỏng dính chúng tôi không nghĩ rằng nó có thể bẫy được những chú chuột sâm lên đến gần 1kg.
Chuột sâm gác bếp |
Tay thoăn thoát đặt bẫy, anh A Chung (trú tại làng Đăk Dơn) bộc bạch: “Cách bẫy chuột sâm không khó nhưng phải cẩn thận quan sát vì những vườn sâm Ngọc Linh ở đây đều được người dân cắm chông bảo vệ. Mình phải chú ý đặt vào những lối có dấu chân chuột chạy, gài thành từng hàng quanh vườn sâm, ngoài ra có thể gài vào những gốc cây, hốc đá, hang của chuột. Loại chuột này phá sâm quanh năm, ăn hết củ chúng lại ăn quả. Chúng rất khôn, thường chọn những củ sâm lớn để ăn sau đó mới chuyển sang củ nhỏ hơn. Trước đây, đặt bẫy cũng dễ dính lắm nhưng càng về sau này, càng khó vì chúng rất khôn…”.
Với những kinh nghiệm có sẵn cùng kỹ thuật bẫy điêu luy rong ruổi trên những vườn sâm quý, các chàng trai Xê Đăng đã có lồng những chú “chuột quý tộc” béo ngậy. Quay trở về làng, họ làm thịt đãi khách. “Những con chuột mới bẫy về thường được chế biến xào sả hoặc nướng với lá Blu Kít trên đỉnh Ngọc Linh. Những con đã khô treo trên gác bếp phải ngâm nước cả ngày, sau khi thịt mềm thì đem nấu với chuối, măng rừng… Dịp cưới hỏi, người dân thường bày thịt chuột ra đãi khách nhằm tỏ lòng kính trọng, chào đón thông gia và họ hàng, làng xóm tham dự. Cũng vì vậy mà những buổi đi tuần tra, canh giữ vườn sâm người dân đều săn chuột rừng để trữ trên gác bếp…”, chị H’Lạng vừa chế biến chuột sâm vừa kể.
Xuân về, nhiệt độ trên vùng Măng Ri xuống khoảng 10oC. Lúc này, bà con ngồi quây quần quanh bếp lửa, thưởng thức thịt chuột sâm và cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất trong năm. Người giã lúa làm bánh, thổi xôi, người thịt heo tạo nên khung cảnh ấm cúng và thắm đượm tình đoàn kết buôn làng.