Tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sỹ Lý Tự Trọng
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hành trình về nguồn, tri ân các Anh hùng liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách, có công với cách mạng nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024) do báo Tuổi trẻ Thủ đô thực hiện.
Giáo dục truyền thống yêu nước cho đoàn viên, thanh niên
Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng dẫn đầu đoàn công tác dâng hoa tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng |
Tại khu tưởng niệm, đoàn công tác đã thành kính dâng hoa, dâng hương trước anh linh của Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng; đồng thời ôn lại truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên trong những năm tháng kháng chiến cứu nước.
Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng là một thanh niên yêu nước, nổi tiếng với câu nói “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng”.
Anh tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh năm 1914 tại Thái Lan, nguyên quán ở xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng dâng hương tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng |
Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn dâng hương tại Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng |
Năm 1926, tại Thái Lan, chàng trai trẻ là một trong 8 người được đồng chí Hồ Tùng Mậu thay mặt Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lựa chọn đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo để xây dựng tổ chức cộng sản tại Việt Nam về sau.
Cuối năm 1926, tại Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên Lê Hữu Trọng thành Lý Tự Trọng, đưa vào nhóm "Thiếu niên tiền phong Việt Nam". Sau đó, ông được cử đi học, làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu.
Đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của liệt sỹ |
Giữa năm 1929, Lý Tự Trọng được cử về Việt Nam, nhận nhiệm vụ liên lạc, vận động thanh niên để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản tại Sài Gòn - Chợ Lớn.
Tháng 2/1931, tại cuộc mít tinh kỷ niệm một năm Khởi nghĩa Yên Bái, khi thực dân Pháp ập tới, Lý Tự Trọng rút súng bắn chết mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại quảng trường Laren. Ông lập tức bị địch bắt, giam cầm và tra tấn. Không khai thác được thông tin bí mật, thực dân Pháp mở phiên tòa, kết án tử hình Lý Tự Trọng lúc mới 17 tuổi.
Được tham quan khu tưởng niệm, lắng nghe những câu chuyện về người thanh niên yêu nước, các đoàn viên, thanh niên của báo Tuổi trẻ Thủ đô thấm nhuần tinh thần và lý tưởng cách mạng của thế hệ cha anh.
Đoàn công tác chụp hình tại nhà tưởng niệm Anh hùng Lý Tự Trọng |
Bạn Nguyễn Đức Minh, phóng viên trẻ trong đoàn chia sẻ: "Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện noi gương anh, sẽ viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng trên những chặng đường mới".
Trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa
Tại khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng và Phó Tổng Biên tập Ngô Vương Tuấn đã trao tặng 7 suất học bổng cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; động viên các em tiếp tục học tập, rèn luyện, vươn lên trong cuộc sống.
Lãnh đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao quà cho các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thạch Hà |
Trong số những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đáng chú ý có em Nguyễn Văn Hoàng (14 tuổi, ở thôn Trung Trinh, Thạch Hà, Hà Tĩnh). Cha mất sớm, mẹ bỏ em ở lại với ông bà nội rồi đi không về. Bà nội của Hoàng ốm nằm liệt giường trong khi ông nội đã tuổi cao sức yếu. Vượt qua nghịch cảnh, cậu bé vẫn chăm chỉ tới trường hàng ngày.
Đón nhận tình cảm và sự sẻ chia của các thành viên trong đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô, em Nguyễn Văn Hoàng xúc động nói: "Em trân trọng cảm ơn tình cảm của đoàn công tác. Em sẽ tiếp tục chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng với tình cảm, sự kỳ vọng của mọi người".
Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng và Phó Tổng Biên tập Ngô Vương Tuấn động viên, chia sẻ với thân nhân của Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng |
Cũng trong buổi sáng hôm nay (9/7), đoàn công tác đã tới nhà thăm hỏi ân cần và trao quà tới 2 thân nhân Anh hùng Lý Tự Trọng và Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Diệu (103 tuổi) tại xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng tặng quà tới em gái Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng |
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Diệu có 7 người con, trong đó, 2 người con đầu của mẹ đã hy sinh anh dũng vì đất nước. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã chia sẻ, động viên và tặng quà tới mẹ; đồng thời mong muốn gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong các phong trào để góp phần xây dựng gia đình, quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Đáp lại tình cảm của đoàn công tác, ông Phan Danh Dũng (con trai thứ 3 của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Diệu) xúc động nói: "Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và các đoàn công tác, trong đó có báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thể hiện sự trân trọng của thế hệ trẻ đối với những mất mát, đau thương của mẹ khi mất đi hai người con. Gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, góp sức nhiều hơn nữa để cùng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh".
Đoàn công tác tặng quà và thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng 103 tuổi Trần Thị Diệu tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) |
Trước đó, trong ngày đầu tiên của hành trình về nguồn của Báo Tuổi trẻ Thủ đô năm 2024, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đến viếng, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, khu Di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc và thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa tại đây.
Chuỗi hoạt động này có ý nghĩa thiết thực nhằm chia sẻ, động viên, giúp đỡ gia đình chính sách; thể hiện tấm lòng tri ân của tập thể cán bộ, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đối với thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước; đồng thời giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” cho các bạn trẻ.
Trong chiều nay, đoàn công tác sẽ tiếp tục cuộc hành trình, trao quà và tri ân tới các Mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Bình.