Triển khai cho mượn trang phục tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Thành phố Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm; hệ thống di tích tại khu vực phố cổ, các khu di tích Cổ Loa... Nhiều nơi đã trở thành điểm thăm quan văn hóa tâm linh thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, những hình ảnh, hiện tượng như ăn mặc phản cảm, khoác tay, níu người lên tượng danh nhân, di tích để chụp ảnh hay bôi bẩn, viết, ký để lưu lại dấu ấn tại di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô… đã bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ. Nhiều khách nước ngoài do chưa hiểu phong tục tập quán của Việt Nam nên đã ăn mặc áo ba lỗ, quần cộc khi đến những điểm di tích này.
Cùng với việc áp dụng, xây dựng các tấm biển in nội dung Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng của UBND Thành phố Hà Nội, nhiều di tích cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hành vi ứng xử văn hóa, ý thức bảo vệ di sản cho người dân và du khách, để các di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô luôn là điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, sau khi đền Ngọc Sơn áp dụng việc cho mượn trang phục tạo thuận tiện cho khách du lịch đến thăm, nhiều di tích cũng đã áp dụng việc làm này. Gần đây nhất, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã triển khai việc cho du khách mượn trang phục.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Về trang phục cho du khách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thực hiện quyết định của UBND thành phố Hà Nội triển khai Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có tại di tích lịch sử văn hóa. Chúng tôi xác định việc may trang phục cho du khách mượn nó cũng đáp ứng được nhu cầu thực tế là hiện nay có một số du khách do các nền văn hóa khác nhau đến đây thì ăn mặc tương đối thoải mái và chúng ta đã chứng kiến nhiều hình ảnh như vậy. Chúng tôi xác định không triển khai ở cả khu di tích mà chỉ ở 2 khu thờ tự là khu vực Bái Đường và Nhà Thái học, nhân viên của chúng tôi sẽ phục vụ du khách khi thấy du khách vào nơi đây mà ăn mặc không phù hợp".
Bước đầu việc cho mượn trang phục tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều được người dân đồng tình, ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Lan, một người dân sống tại Tôn Đức Thắng (Hà Nội) cho biết: “Khi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tôi bắt gặp nhiều hình ảnh du khách nước ngoài mặc áo cộc tay, quần sooc ngắn. Đây là hình ảnh rất phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam khi đi lễ chùa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thông cảm vì văn hóa phương Tây vốn phóng khoáng trong việc ăn mặc, du khách đi du lịch mùa hè nóng nực nên thường ăn mặc có phần mát mẻ. Nếu mời họ ra ngoài hay không cho họ vào thì sẽ để lại ấn tượng xấu về sự không thân thiện, mến khách. Do đó, việc Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho mượn trang phục vừa giúp du khách đến đây được thuận tiện, thoải mái vừa xóa bỏ các hình ảnh phản cảm, ăn mặc hở hang khi đi lễ. Tôi thấy du khách rất thích trang phục tại đây, họ khen trang phục đẹp và “rất Việt Nam”, nhiều đoàn khách còn thích thú chụp ảnh trong trang phục này”.