Trình 2 phương án phân phối khoản kinh phí Công đoàn 2%
Hướng tới kỷ niệm 95 năm Công đoàn Việt Nam và Tháng Công nhân Sẽ tổ chức Ngày hội Công đoàn Thủ đô Phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Công đoàn hai thành phố |
Tiếp tục kỳ họp thứ 7, chiều 3/6 Quốc hội nghe Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tạo sự gắn kết lâu dài, bền chặt
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) |
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.
So với Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chủ yếu. Đáng chú ý là hoàn thiện các quy định của pháp luật Công đoàn, bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Tại lần sửa đổi này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ trì soạn thảo) vẫn trình duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2%.
Theo đó, Điều 29 dự thảo Luật quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chăm lo tốt hơn cho người lao động; tạo sự gắn kết lâu dài, bền chặt giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp.
Ông Khang cũng cho hay, qua tổng kết việc thực hiện luật Công đoàn 2012 cho thấy, nguồn tài chính Công đoàn thu đoàn phí Công đoàn chiếm từ 25 - 27%; thu kinh phí Công đoàn chiếm từ 57 - 64%; thu khác chiếm từ 11 - 16%; ngân sách Nhà nước hỗ trợ chiếm khoảng 1%.
Tỷ trọng chi tài chính Công đoàn được tập trung cho Công đoàn cơ sở (chiếm gần 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động.
Trong phân phối các nội dung chi, nguồn kinh phí Công đoàn cơ bản dành cho phúc lợi, đại diện, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động, chiếm 84,14% tổng số chi.
Ông Khang cũng cho biết, Nghị quyết số 06 năm 2016 của Trung ương xác định phải "tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam".
Từ các lý do trên, ông Khang cho rằng, việc tiếp tục bảo đảm nguồn kinh phí Công đoàn trong luật Công đoàn là hết sức cần thiết.
Làm rõ tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí Công đoàn
Quang cảnh phiên họp |
Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, thời gian qua, việc công khai, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt và hiểu đúng việc thu, chi, sử dụng tài chính công đoàn, nhất là kinh phí công đoàn của Công đoàn Việt Nam còn một số hạn chế, chưa tạo được sự đồng thuận cao, còn tình trạng băn khoăn về mục đích, cách thức sử dụng nguồn kinh phí này.
Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trích kinh phí Công đoàn 2% cho các cấp Công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo 2 phương án.
Phương án 1 quy định kinh phí công đoàn 2% "được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ".
Phương án 2 quy định, kinh phí Công đoàn 2% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng kinh phí Công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các ý kiến ủng hộ và thống nhất với việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2%.
Về việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% (điểm b khoản 1 Điều 29), hiện có 2 ý kiến khác nhau. Ủy ban Xã hội ủng hộ ý kiến thứ nhất: Nhất trí việc duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2%.
Tuy nhiên, trong tương lai, “kinh phí công đoàn” có thể còn được phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, do vậy, cần có thông tin về tình hình thu, chi, sử dụng 2% kinh phí Công đoàn để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định. Đồng thời, cung cấp thông tin về chậm đóng, trốn đóng và việc không thu được kinh phí Công đoàn.