Trở thành freelancer - xu hướng nghề nghiệp mới của giới trẻ
Bài 2: "Ông chủ trẻ" và sứ mệnh đánh thức du lịch Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? |
Freelancer - Đi tìm sự tự do
Freelancer là những người làm nghề nghề tự do. Hiểu một cách đơn giản, họ được tự do thu xếp công việc của mình mà không có bất cứ giới hạn nào về thời gian, địa điểm làm việc. Họ có thể tự do làm việc mọi lúc, mọi nơi nhưng vẫn phải đáp ứng thỏa thuận của người thuê.
Freelancer có thể tham gia rất nhiều công việc. Một số công việc phổ biến nhất là: Viết các bài SEO website, bài PR, blog, kịch bản, thông cáo báo chí…; Quản trị fanpage, quảng cáo Facebook, quảng cáo Google…; Thiết kế đồ họa 2D, 3D, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, các ấn phẩm truyền thông (logo, banner, poster), thiết kế nội - ngoại thất…
Freelancer làm việc tự do trên mọi góc độ. Họ không bị gò bó về vấn đề đồng phục, thời gian làm việc… Họ cũng không cần phải làm việc ở cơ quan mà chỉ cần ngồi nhà cùng các công cụ như máy tính, điện thoại để làm việc và trao đổi tất cả thông tin qua mạng.
Nhiều khó khăn và áp lực vô hình
Trở thành một Freelancer tức là sẽ không còn cơ hội được nhận lương định kỳ hằng tháng. Freelancer sẽ chỉ nhận được thù lao sau khi hoàn thành công việc mà không hề nhận được bất kỳ khoản đảm bảo nào khác như bảo hiểm, chi phí đi lại… nên sẽ khó khăn đối với những người mới vào nghề. Có lúc bạn “tiền đầy túi” nhưng không ít giai đoạn bạn bị thiếu trước hụt sau, thậm chí rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh.
Thực tế chứng minh hầu hết freelancer đều luôn bận rộn hơn chúng ta tưởng, trừ những người “không thích” làm việc nhiều. Họ phải tự đi tìm các hợp đồng làm việc, rồi tiếp tục tự mình triển khai từ A đến Z. Để có mức thu nhập ổn định, hầu hết các freelancer đều nhận nhiều hợp đồng cùng lúc và họ luôn “quay cuồng” trong khối công việc đó.
Đối với một freelancer, sự chuyên nghiệp là yêu tố hàng đầu. Không có những cuộc họp giao ban, không phải dậy sớm mỗi sáng, không báo cáo, không phải mặc đồng phục... là những điều thoải mái mà họ luôn mong muốn. Tuy vậy, dù tự do đến thế nào chăng nữa thì sự chuyên nghiệp trong cách làm việc vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Đó là một trong những tiêu chí khiến khách hàng chọn bạn thay vì đối thủ.
Có chơi có chịu, đã lựa chọn là phải thích ứng
Nhiều người thường nghĩ làm việc tự do sung sướng, không bó hẹp về thời gian, không bị sếp nào la mắng… Không ít người quyết định nghỉ việc để thành freelancer để rồi nhận ra "kiếm cơm" bằng cách nào cũng không hề đơn giản.
Trần Ngọc Huyền (24 tuổi) không thích những quy định cứng nhắc trong công ty nên đã làm tự do gần 2 năm nay. "Mình chuyên viết bài PR, blog, kịch bản, không lo không có việc, dù phải mất một thời gian dài trên các hội nhóm để tìm dự án, rồi nhờ bạn bè giới thiệu...", Huyền nói.
Ngọc Huyền trở thành freelancer khi vừa ra trường |
Sau một thời gian thích ứng, Huyền ngậm ngùi nhận ra mối quan hệ giữa mình với khách hàng cũng khổ sở không kém những người đi làm công ty. Chín người mười ý, những dự án Huyền nhận thiết kế nếu may mắn thì gặp khách hàng dễ tính, còn gặp người nhiêu khê thì phải điều chỉnh, thuyết phục vô cùng mệt mỏi.
Một khía cạnh cũng làm Huyền suy nghĩ nhiều gần đây, đó là làm tự do đem lại thu nhập khá và được "tự do" ở một phương diện. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Huyền sẽ không có bảo hiểm, không có lương cố định, không có những khoản thưởng.
"Bạn bè thường nói tôi làm vậy chắc rảnh lắm. Có lúc, tôi phải chạy cho xong dự án, không đi đám cưới bạn hoặc họp lớp được nên hay bị trách. Nhiều khi mấy tuần không nhận được dự án nào ưng ý, tôi "viêm màng túi" luôn", Huyền chia sẻ.
Dù chọn lựa gắn bó với công ty hay trở thành freelancer, bạn trẻ cũng phải vững tin với lựa chọn đó. Khánh Toàn (26 tuổi) đã làm công việc tự do 4 năm kể rằng, sau một khoảng thời gian dài tìm cách thích nghi thì nhận thấy lựa chọn này phù hợp.
Nhờ khiếu chụp ảnh cộng với những mối quan hệ xã hội đã xây dựng khi còn đi làm cho công ty công nghệ, Toàn dần có nhiều khách hàng nhờ chụp ảnh cưới, ảnh sự kiện...
Khánh Toàn bỏ công việc văn phòng để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh |
"Mình lên ý tưởng bộ ảnh cho khách, được đi du lịch ké, lâu ngày tay nghề chụp với chỉnh sửa ảnh tốt hơn. Cũng không ít lần hụt hẫng vì bị khách phàn nàn, rồi sự cố trong buổi chụp, máy ảnh trở chứng… nhưng mình phải cố gắng giải quyết để sống với công việc mình thích", Toàn nói.
Theo Toàn, khi đã chọn là một freelancer, bạn trẻ cần có niềm tin và kiên trì với lựa chọn. Bạn trẻ cũng nên gom góp một ít tiền và tiêu xài tiết kiệm khi mới bắt đầu làm việc tự do. "Đừng vì một chút khó khăn, một đôi lần bị khách hàng chỉ trích, bạn bè chê cười… mà nản lòng. Thành công nào cũng có cái giá của nó", Toàn nói.
Chia sẻ từ một số freelancer, người mới ra trường nên đi làm ở công ty theo chuyên môn một thời gian. Nếu nhận ra mình muốn thay đổi, phù hợp với công việc tự do hoặc do hoàn cảnh, bạn trẻ có thể đề nghị được nghỉ không lương một thời gian để tập tành cuộc sống của một freelancer; Hoặc bạn cũng có thể nhận làm thử một số công việc ngoài giờ, nếu bản thân yêu thích hoặc xoay xở tốt với công việc này, có hướng phát triển lâu dài thì có thể nghỉ làm ở công ty hiện tại.
Môi trường công ty không đơn giản là làm để có lương, để kiếm sống, mà còn là nơi rèn luyện ý chí, chuyên môn, quan hệ xã hội; Là một phần đời rất dài nếu bạn trẻ quyết định gắn bó. Tùy theo sở thích, ước mơ, bạn trẻ khi quyết định mình sẽ "làm công ăn lương" hay "riêng một góc trời" cần suy nghĩ đã chuẩn bị được gì cho lựa chọn của mình.