Trở thành triệu phú từ giấc mơ sáng tạo
(TTTĐ) Từ bỏ một công việc mà nhiều người mơ ước để thực hiện ước mơ sáng tạo ra những sản phẩm “mang tên mình”, Phùng Mạnh Lân, chàng thanh niên sinh năm 1989 này đã thành công ngoài sức tưởng tượng của nhiều người từ kinh doanh kim hoàn.
Từ ước mơ “mang tên mình” đến…
Tốt nghiệp khoa Quản lý đất đai, trường ĐH Tài nguyên – Môi trường, Lân được gia đình sắp xếp cho một vị trí ở Tổng cục quản lý đất đai. Môi trường công việc rất tốt, nhưng suốt 3 năm Lân luôn cảm thấy mình bị trì trệ, mất đi nhiều kĩ năng và không còn quảng giao, sôi nổi như cá tính vốn có. Suy nghĩ muốn theo đuổi một con đường “mang tên mình” với những sản phẩm của riêng mình trỗi dậy, cậu quyết định nghỉ việc không nuối tiếc. Lân chia sẻ: “Tôi yêu thích kinh doanh. Thời sinh viên, tôi đi làm thêm nhiều lắm. Có những tháng trừ tiền chi tiêu, tôi vẫn tiết kiệm được 6 – 7 triệu đồng. Tôi đã học được rất nhiều từ những công việc làm thêm đó và muốn sáng tạo ra một thứ của riêng mình”.
Lân đã thành công từ kinh doanh kim hoàn
Một tháng sau khi nghỉ việc, cậu xin vào làm quản lý tại Trung tâm giáo trí dành cho thiếu nhi TiNiWorld. Nửa năm làm việc tại đây đã giúp cậu ôn lại kĩ năng bán hàng, kĩ năng maketting, cách thuyết phục khách hàng… Lân nghĩ, công việc này chỉ là bước đệm giúp cậu tìm lại những kĩ năng cần thiết để thực hiện kế hoạch kinh doanh không xa. Vì vậy, Lân vừa làm vừa đi học nghề kim hoàn. “Tôi thích đồ thủ công mỹ nghệ. Khi tìm hiểu về đồ trang sức, tôi bị thu hút và quyết định đi học nghề chế tác kim hoàn. Tôi học để biết về quy trình sản xuất sản phẩm, về đặc trưng, tính chất của từng loại để thuận tiện cho công việc kinh doanh sau này” – Lân cho biết. Năm tháng sau, Lân cùng thầy dạy nghề mở xưởng sản xuất, chế tác và kinh doanh các sản phẩm kim hoàn. Mục đích ban đầu của cậu là bán các sản phẩm do mình tự thiết kế. Tuy nhiên, những sản phẩm đó chưa phù hợp với nhu cầu thị trường nên cậu chuyển hướng sang sản xuất những sản phẩm đại trà.
Với số vốn 5 triệu đồng, cậu chỉ đủ đầu tư cho việc học nghề. Nên lúc đầu, Lân chỉ nhận chế tác thuê. Sau đó cậu tiết kiệm được vốn và mở xưởng chế tác sản xuất riêng. Nhờ người thầy có mối quan hệ với nhiều xưởng và có sẵn máy sản xuất, nên cậu không phải bỏ ra khoản kinh phí nào.
Thời gian đầu, Lân gặp khó khăn khi tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi khi mở xưởng sản xuất, cậu nghĩ rằng chỉ cần tạo ra được sản phẩm đẹp thì chắc chắn sẽ có đầu ra. Tuy nhiên, công việc kinh doanh không suôn sẻ như thế. Cậu phải lên kế hoạch maketting và chăm sóc khách hàng. Cậu mang sản phẩm mẫu đi chào hàng, rồi có khách.
“Đơn hàng bán lẻ đầu tiên của tôi là một chiếc dây chuyền bằng bạc hình con mèo trị giá 260 nghìn đồng do một sinh viên đại học công nghiệp đặt. Để có được sản phẩm đẹp, tôi và người thầy thức trắng đêm chế tác. Sáng sớm hôm sau, tôi đi giao hàng, chờ khách học xong mấy tiết mới có thể giao nhận hàng. Ngay khi mở hộp sản phẩm, bạn ý reo lên: “Ôi xinh thế anh”. Tôi vui lắm”.
Tận dụng lợi thế từ mạng xã hội
Kinh doanh từ tháng 8/2014 đến nay, Lân đã có một lượng khách hàng ổn định và phân phối sản phẩm đến 7 cửa hàng bán buôn. Hiện, Lân có một cửa hàng bán lẻ ở Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Riêng cửa hàng bán lẻ này, doanh thu mỗi tháng được 160 triệu đồng.
Không sản xuất ồ ạt, trước khi cho ra một sản phẩm, Lân đều nghiên cứu thị trường rất kĩ. Mỗi tháng cậu lựa chọn một sản phẩm chủ đạo khác nhau để các sản phẩm của mình có thể quay vòng.
Chia sẻ về cách thức marketing, Lân cho rằng, internet phát triển giúp những người bán hàng có nhiều lợi thế từ các trang mạng xã hội. Chỉ cần có chiến lược phù hợp, bạn có thể tiếp thị sản phẩm miễn phí hoặc chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ. Vì vậy, Lân chủ yếu marketing online qua mạng xã hội, website, forum… Hiện fanpage trên Facebook của anh thu hút hơn 64 nghìn người yêu thích và theo dõi. Đặc biệt, lượng người yêu thích này hoàn toàn tự nhiên. Để đạt được sự quan tâm chú ý của đông đảo khách hàng trên mạng xã hội như thế, Lân rất chú trọng đến chất lượng hình ảnh, bài viết, cố gắng tạo ra cộng đồng theo dõi trang, làm cho người ta cảm thấy dễ chịu như không đăng quá nhiều sản phẩm trong một ngày… Lân cung cấp cho khách hàng những thông tin để họ biết rằng mình cần sản phẩm như thế nào. Vì vậy, khách hàng thường xem ảnh và đặt hàng luôn, không cần tư vấn nhiều. Hiện, cửa hàng của Lân luôn có quá nhiều đơn hàng. Lân đang tìm hướng phát triển nhân lực và mở rộng kinh doanh.
Để thu hút và giữ chân những người thợ giỏi, có tâm với nghề, Lân không áp đặt giờ làm, chỉ quản lý qua hiệu suất công việc làm cho thợ luôn thấy thoải mái, không bị gò bó.
Sau gần 2 năm bươn chải kinh doanh, Lân đã có được sản phẩm sáng tạo của riêng mình. Đó là sợi dây chuyền mặt nhỏ do cậu tự thiết kế. Điều đáng mừng là ngay sau khi trình làng, sản phẩm này lập tức thu hút nhiều khách hàng. Lân dự kiến, thời gian tới tiếp tục sáng tạo nhiều mẫu sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường…
Diệu Linh