Trung Quốc chiếm tới ¼ startup tỷ đô trên thế giới
Năm 2010, hầu như tất cả các công ty startup có mức vốn trên 1 tỷ USD, hay còn gọi là kỳ lân (Unicorm) đều tham gia thị trường Mỹ hay Châu Âu. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có vẻ đã khác.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do nền kinh tế Trung Quốc đang nhanh chóng tập trung vào dịch vụ và tiêu dùng nội địa, trong khi dòng vốn tư nhân đang hướng đến những startup có giá trị và thị trường Trung Quốc trở thành điểm sáng.
Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công của những công ty khởi nghiệp này nhưng rõ ràng xu thế khởi nghiệp tại Trung Quốc đang bùng nổ mạnh mẽ chưa từng có.Tính từ giữa năm 2015 đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có 34 startup kỳ lân trong khi con số này là 39 tại Mỹ. Tuy nhiên, nếu xét từ năm 2010, con số này là 56 tại Trung Quốc và 100 tại Mỹ.
Trung Quốc đang cho thấy sức mạnh đáng sợ của mình trong mảng công nghệ với hàng loạt tập đoàn như Tencent (đối đầu với Google), Didi (đối đầu với Uber), WeChat (đối đầu với Facebook). Nền kinh tế này đã tăng trưởng khoảng 7% trong những năm gần đây, cao hơn khá nhiều so với mức 1-2,5% của Mỹ.
Trung Quốc cũng hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 hoặc sớm hơn. Ngoài lợi thế là một thị trường mới tiềm năng, việc Trung Quốc đông dân cũng đang đem lại hiệu quả tích cực cho nước này. Trong khi Mỹ chỉ có 11 thành phố có hơn 1 triệu dân thì Trung Quốc có hơn 100 thành phố như vậy.
Mặc dù Thung lũng Silicon vẫn là trung tâm công nghệ thế giới với lượng lớn nhân tài, nguồn vốn và những quỹ đầu tư sẵn sàng mạo hiểm nhưng giá nhà tăng cao cùng chi phí nhân công đang khiến các startup tìm lựa chọn ưu việt hơn.
Một báo cáo của The San Francisco Chronicle cho thấy lượng lớn du học sinh nước ngoài trở về Trung Quốc đã đem theo các ý tưởng, nguồn vốn và kinh nghiệm về cho thị trường startup ở đây. Năm 2016, số liệu chính thức cho thấy có khoảng 432.500 du học sinh quay trở về Trung Quốc, tăng 58% so với năm 2012.