Trung tâm nhân đạo Hồng Đức (Hà Nội): Tiếp tay cho những hành động lừa đảo
![]() |
Thậm chí, những đối tượng lừa đảo trên sẵn sàng đe dọa, hành hung một số nạn nhân nếu không chịu bỏ tiền mua những gói tăm trị giá chục nghìn đồng mà các đối tượng trên đưa ra. Theo điều tra, thực trạng trên là do một số trung tâm nhân đạo đã tiếp tay cho các đối tượng đi lừa đảo người dân…
Chi tiền là có dấu
Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã từng bắt giữ rất nhiều vụ việc các đối tượng giả danh người của trung tâm nhân đạo ép người dân (chủ yếu là các sinh viên mới từ quê lên Hà Nội) mua tăm với giá "cắt cổ". Thậm chí, nhiều trường hợp, nạn nhân còn bị đe dọa, hành hung nếu không chịu bỏ tiền mua tăm "từ thiện" do các đối tượng trên đưa ra. Các đối tượng giả danh trung tâm nhân đạo trên chủ yếu ở Mỹ Đức, Hà Nội.
![]() |
Những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được gán mác các trung tâm nhân đạo.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã về thôn 4, xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Nội) để tìm hiểu sự việc vì thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều người tự xưng là tình nguyện viên của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức đến bán tăm và vận động quyên góp tiền cho người khuyết tật có dấu hiệu bất thường. Qua tìm hiểu được biết Trung tâm nhân đạo Hồng Đức - cơ sở 3 (gọi tắt là cơ sở 3 tại xã Phù Lưu Tế) được thành lập với chức năng là nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề cho các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi…
Tuy nhiên tại cơ sở này hầu như không thực hiện việc nuôi dưỡng bất kỳ học viên nào. Hoạt động chủ yếu của cơ sở này là phân phối tăm, khăn mặt, bút bi cho các đầu mối và bán giấy chứng nhận là tình nguyện viên của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức để các tình nguyện viên “rởm” đi bán tăm và kêu gọi quyên góp tiền của các nhà hảo tâm cho người khuyết tật.
Cơ sở 3 của trung tâm này được đặt ngay tại nhà của bà Phạm Thị Toan (được giới thiệu là giám đốc). Trong vai một người bán tăm chúng tôi tìm gặp bà Toan, khi biết chúng tôi có nhu cầu mua tăm và mua giấy giới thiệu chứng nhận là người của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, bà hồ hởi cho biết chúng tôi đã đến đúng địa chỉ.
Đề cập đến việc mua giấy giới thiệu là người của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, bà Toan cho biết: “Ở đây chị có 2 loại giấy, bảo đảm 100%, một loại của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức - cơ sở 3, giá 800 nghìn đồng/1 bộ (giấy giới thiệu, công văn, bảng giá sản phẩm). Chị là giám đốc, chị ký và điều hành tất, còn con dấu thì trên Cơ sở 1 quản lý. Tuy nhiên bọn em vẫn phải mua một ít hàng (tăm). Chị không bao giờ cấp giấy không cho các em, nếu bọn em lấy hàng đủ tiêu chuẩn và có 1 triệu đồng đóng vào quỹ nhân đạo, thì thôi không phải mất đồng nào. Ngoài ra, nếu hằng tháng em lấy khoảng 5.000 tăm, thì sẽ không mất tiền mua giấy”.
Không chỉ bảo đảm chắc chắn cho việc cấp giấy giới thiệu tại cơ sở 3 do mình là giám đốc, bà Toan còn khẳng định sẽ “bảo kê” cho người đi bán hàng và người đi xin tiền từ thiện, nếu như không may bị công an, người của Trung tâm bảo trợ xã hội bắt giữ, hay khi có bất kỳ người dân nào phàn nàn. “Số điện thoại bàn trên tem nhãn là số tổng đài của trung tâm, nhưng chị chuyển tiếp vào di động cho tiện. Nếu khi đi bán hàng bọn em gặp vấn đề gì, có ai đó điện về số máy này chị sẽ nhận bọn em là người của trung tâm, như thế các em sẽ không làm sao cả. Thậm chí, nếu bọn em bị Trung tâm Bảo trợ xã hội bắt, bọn em chỉ cần gọi cho chị thông báo tên người đó, chị sẽ có cách để cứu ra”, bà Toan khẳng định.
Bán luôn cả công văn từ thiện của nơi khác
Không những thế, tại cơ sở 3 này, bà Toan còn bán luôn cả giấy giới thiệu, công văn xin tiền từ thiện của HTX sản xuất tình thương tại Sơn Tây (gọi tắt là HTX Sơn Tây, thuộc Hội người mù Sơn Tây). Theo bà Toan, giấy giới thiệu được bà bán với giá 500 nghìn đồng/1 bộ, rẻ hơn rất nhiều so với giấy của Trung tâm Hồng Đức. Tuy nhiên, cũng giống như giấy của Hồng Đức, khi mua giấy giới thiệu chứng nhận là người của HTX Sơn Tây, người mua cũng sẽ không bị khống chế tiền mua hàng, số lượng...
Không chỉ quảng cáo về độ tin cậy, giá thành, mà nói về số lượng, bà Toan cũng cho biết, người mua cần bao nhiêu bộ cũng có. Thắc mắc về việc vì sao giấy của HTX Sơn Tây lại được bán rẻ hơn giấy giới thiệu của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, theo bà Toan, giấy của Trung tâm Hồng Đức đắt hơn vì các sếp ở đó “khó” và không có “người đỡ đầu”.
Việc bán và “tự” cấp giấy giới thiệu, giấy chứng nhận là người của HTX Sơn Tây còn diễn ra tại gia đình bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn 6, Áng Hạ, xã Lê Thanh (Mỹ Đức). Cơ sở của bà Hằng có quy mô còn lớn hơn ở chỗ bà Toan và giấy giới thiệu cũng có thời hạn là 2 tháng thay vì 1 tháng như bên bà Toan.
Khi chúng tôi hỏi mua giấy giới thiệu, bà Hằng đưa ra một cuốn giấy giới thiệu có sẵn chữ ký và dấu đỏ được đóng sẵn của HTX Sơn Tây cho chúng tôi xem rồi bảo: “Ở đây chúng tôi không bán giấy không, mà phải bán giấy theo tăm. Các chú phải mua 3.000 tăm với giá 1.080 nghìn đồng thì tôi mới cấp cho một bộ giấy giới thiệu. Một bộ giấy đi theo hàng thì giá cũng sẽ rẻ hơn nhiều, so với việc các chú phải mua giấy giới thiệu, rồi lại mất tiền mua hàng như ở những chỗ khác”.
Ngoài việc bán giấy giới thiệu, chứng nhận là người của HTX Sơn Tây, tại những địa điểm trên còn bán cả công văn “Xin kinh phí mở lớp học chữ, học nghề cho người tàn tật và trẻ em mồ côi”. Công văn này cũng được bà Toan (giám đốc cơ sở 3 – Trung tâm nhân đạo Hồng Đức) bán với giá 800 nghìn đồng/1 bộ. Bên cạnh đó, bà Toan còn bán thêm giấy ghi danh sách các đơn vị, có đóng dấu đỏ với giá 1.000 đồng/1 tờ, với lời khẳng định: “Có dấu đỏ này nên mọi người tin lắm, chị chỉ bán 1.000 đồng/1 tờ thôi”.
Chưa hết, không chỉ bán các loại giấy tờ trên, vị giám đốc cơ sở 3 - Trung tâm nhân đạo Hồng Đức còn dạy cách để người bán không bị “vợt” - không bị lực lượng chức năng và người của Trung tâm bảo trợ xã hội bắt. Theo đó, khi bán giấy giới thiệu này, người bán sẽ được hướng dẫn là không bán ở nơi bến tàu, bến xe hay ở trung tâm thành phố, mà nên đi bán ở tỉnh hoặc tại những địa phương xa trung tâm, khu vực ngoại thành để tránh bị bắt.
Một điều lạ nữa, theo chia sẻ của người bán giấy, mặc dù giấy giới thiệu dùng để bán tăm (không được phép xin từ thiện) nhưng nếu chỗ nào xin được từ thiện thì cứ xin. Các nhà hảo tâm cho thẳng người bán thì người bán sẽ được hưởng. Còn tiền mà chuyển về tài khoản của Trung tâm nhân đạo Hồng Đức, hay HTX Sơn Tây, thì người đi bán chỉ cần cung cấp tên, địa chỉ cơ quan người hỗ trợ… thì họ sẽ nhận được 40% hoa hồng.
Không biết bao nhiêu người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với danh nghĩa bán tăm từ thiện? Đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm vào cuộc làm rõ các sai phạm tại các trung tâm này.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này...
Thanh Hà
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả

Phú Yên lập tổ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại,hàng giả

Thu giữ 11 tấn thực phẩm "bẩn" tuồn vào thị trường

Đà Nẵng: Xử phạt hai cơ sở bán hàng hiệu giả, buộc tiêu hủy

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh "dẹp loạn" hàng giả

Hà Quảng (Cao Bằng): Thu giữ 656kg nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc

Lãnh đạo UBND TP Hội An yêu cầu cấp dưới kiểm điểm trách nhiệm

Trùng Khánh và Hà Quảng (Cao Bằng): Thu giữ 1.128 kg nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc

Huyện Nhơn Trạch rà soát nhầm đất dân là đất công
