Trường Đại học Hà Nội mở rộng đối tượng xét tuyển kết hợp
Đại học Dược Hà Nội dự kiến mở 2 ngành đào tạo mới |
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Hà Nội trong chương trình Tư vấn tuyển sinh 2021, do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp cùng các trường đại học tổ chức.
Mở rộng đối tượng xét tuyển kết hợp
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, về cơ bản, phương thức tuyển sinh năm 2021 của trường Đại học Hà Nội vẫn giống năm 2020. Theo đó, nhà trường không có tiêu chí phụ khi xét tuyển đại học hệ chính quy bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Hà Nội hiện có 4 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT chiếm 5% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển kết hợp theo quy định của nhà trường chiếm 30% tổng chỉ tiêu; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chiếm 65% tổng chi tiêu; Xét tuyển bằng học bạ và trình độ tiếng Anh cho các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài (240 chỉ tiêu).
HOCMAI phối hợp với Đại học Hà Nội tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh 2021 |
Theo đó, đối tượng áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp bao gồm: Học sinh các lớp chuyên hoặc các lớp song ngữ thuộc các trường THPT chuyên và THPT trọng điểm; Học sinh tốt nghiệp THPT có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc có kết quả trong các kỳ thi chuẩn hóa của nước ngoài như SAT, ACT, A-Level.
Đặc biệt, năm 2021, trường Đại học Hà Nội còn thực hiện mở rộng đối tượng xét tuyển kết hợp đối với thí sinh thuộc đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia; Thí sinh đã đạt giải Nhất, Nhì, Ba các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố; Thí sinh đã tham dự các cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức và những thí sinh đã tham dự Vòng thi tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.
Trừ các thí sinh có điểm SAT từ 1100/1600 trở lên, ACT từ 24/36 trở lên và A-Level từ 60/100 trở lên, tất cả thí sinh tham gia xét tuyển kết hợp cần đạt ba tiêu chí: điểm TBC 3 năm học cấp 3 từ 7.0 trở lên; điểm TBC ngoại ngữ của từng năm cũng từ 7.0 trở lên; điểm TBC 3 môn thi tốt nghiệp thuộc 2 nhóm xét tuyển là Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật Lý, Tiếng Anh cũng đạt từ 7.0 trở lên.
Các chương trình đào tạo hấp dẫn giảng dạy bằng ngoại ngữ
Chia sẻ tại chương trình, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội, cho biết, dù là một trường công lập nhưng thực tế, trường Đại học Hà Nội lại có nhiều điểm tương đồng với trường quốc tế vì các chương trình do nhà trường đào tạo đều được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Đây là tiền đề cơ bản và cực kỳ quan trọng để sinh viên cập nhật nhanh chóng và trực tiếp tri thức của thế giới, chuẩn bị các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm để hội nhập với các thị trường lao động trong khu vực và toàn cầu.
Về khối ngành chuyên ngữ, trường hiện có 10 ngành ngôn ngữ bao gồm: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong đó có thêm 3 chương trình chất lượng cao là Hàn, Trung, Italia.
Về khối chuyên ngành giảng dạy bằng ngoại ngữ, từ năm 2002, nhà trường đã mở các chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh và Pháp là: Quản trị kinh doanh, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Marketing, Quốc tế học, Nghiên cứu phát triển, Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện và Truyền thông doanh nghiệp. Trong đó 2 chương trình chất lượng cao là Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành; Công nghệ thông tin.
Hiện, Đại học Hà Nội có 4 chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài với thời gian học từ 3 - 3,5 năm. Theo đó, khi theo học các chương trình này, sinh viên sẽ được học trực tiếp với giảng viên nước nước ngoài. Ngoài ra, sinh viên đủ điều kiện có thể học chuyển tiếp 1 năm tại nước ngoài nếu có nguyện vọng. Bên cạnh đó, khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng bởi các trường đại học nước ngoài.
Cụ thể, bằng Cử nhân Kinh doanh chuyên ngành kép Marketing - Tài chính do trường Đại học La Trobe (Úc) cấp; bằng Cử nhân Quản trị Du lịch và Lữ hành do Đại học IMC KREMS (Áo) cấp; bằng Cử nhân Kế toán Ứng dụng do Đại học Oxford Brookes (Anh) và ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc) cấp; bằng Cử nhân Kinh doanh do Đại học Waikato (New Zealand) cấp.
Để tham gia chương trình liên kết, ngoài xét duyệt học bạ, thí sinh cần có điểm IELTS từ 5.5 - 6.0 tùy chương trình đăng ký. Đối với những thí sinh chưa đủ điều kiện tiếng Anh, nhà trường có chương trình tiếng Anh dự bị cấp tốc từ 3 - 6 tháng dành cho thí sinh.
Bên cạnh các chương trình liên kết quốc tế, trường Đại học Hà Nội còn tuyển sinh và đào tạo 5 chương trình cử nhân chất lượng cao của các ngành: Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Italia, Công nghệ thông tin, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, với phương thức xét tuyển tương tự chương trình chuẩn.
“So với chương trình chuẩn, chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng với số lượng tín chỉ nhiều hơn, thời gian đi kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp cũng như trải nghiệm làm việc tại môi trường thực tế cũng nhiều hơn”, TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Hiện tại, trường Đại học Hà Nội đã xây dựng dự thảo các phương án tuyển sinh năm 2021. Đề án tuyển sinh chính thức sẽ công bố sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021.