Trường đại học “hot” xét tuyển riêng: Cần sớm có những quy định cụ thể
Phù hợp xu thế chung
Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, trong đó đưa ra khuyến cáo các trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao có thể chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; Sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến đánh giá là phù hợp với xu hướng tuyển sinh trong vài năm trở lại đây và nhất là trong bối cảnh các trường đại học đang thực hiện tự chủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, các trường và ngành học có sự cạnh tranh cao có thêm hình thức xét tuyển là phù hợp với xu thế hiện nay (Ảnh minh họa) |
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học, thực tế khả năng phân hoá điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ cao đối với các ngành hay các trường trung bình, top giữa hoặc top dưới, còn những trường, ngành “hot”, tính phân hoá không cao.
Với những trường, ngành “hot”, vẫn dựa trên kết quả thi THPT nhưng chỉ là xem xét ở sơ tuyển, còn muốn tổ chức thêm những kỳ thi hay hình thức để xét trung tuyển (do các trường tổ chức) hoặc dựa theo các tiêu chí khác thì ở trên thế giới, nhiều trường hay dùng.
Ví dụ, tuyển vào ngành Báo chí, nếu có khoảng 2 vạn thí sinh mà chỉ lấy 200 thí sinh, như thế ở ngành đó “hot”. Với ngành này, nếu chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì việc thí sinh được 29 hay 29,5 điểm mới đạt được chuẩn là chuyện phổ biến. Vì thế, khi sơ tuyển, trường có thể chọn 2.000 thí sinh bằng cách lấy từ 26 đến 30 điểm. Sau khi có sơ tuyển rồi, trường có thể làm một bài thi đánh giá hay năng khiếu và chọn ra 200 em; Hoặc có nhiều tiêu chí khác như: Xét hồ sơ, kết quả, thành tích trong các đợt thi cử quốc gia… Với hình thức này ở những trường “hot” là phù hợp.
Sơ tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển riêng sẽ xử lý được vấn đề thí sinh điểm cao nhưng không đỗ đại học |
“Cách làm như thế có lợi là những thí sinh tài năng không lo bị trượt do may rủi. Về phía nhà trường, khi xét tuyển theo hình thức đó sẽ chọn được em xứng đáng. Bên cạnh đó, khuyến khích các trường đại học top trên đưa hình thức xét tuyển riêng sẽ xử lý được câu chuyện điểm cao nhưng không đỗ một cách gọn gàng, thoả đảng”, TS Lê Viết Khuyến nhận xét.
Cần hướng dẫn cụ thể
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường có sự cạnh tranh cao nên có thêm hình thức xét tuyển để phân loại thí sinh là phù hợp với xu thế chung nhưng chưa rõ cách làm khiến người ta hiểu khác nhau và làm theo những cách khác nhau.
Ví dụ, vừa qua thì một số trường có thể tổ chức thi riêng hoặc có thể dùng thêm hình thức khác để xét tuyển. Vấn đề Bộ đưa ra rất hay nhưng cần có hướng dẫn cụ thể, quy định rõ ràng.
“Tôi cho rằng, nếu trường tổ chức thi riêng sẽ rất vất vả cho người học, còn các trường dùng thêm hình thức, tiêu chí khác để xét tuyển thì thí sinh sẽ đỡ vất vả hơn”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT cần quy định cụ thể về hình thức xét tuyển riêng (Ảnh minh họa) |
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT lại cho rằng, làm gì thì làm nhưng quan trọng nhất vẫn là câu chuyện của đề thi tốt nghiệp THPT.
“Tôi cho rằng, đề thi phải phân hoá được, bên cạnh đó, xét học bạ phải xét cả 3 năm THPT và cần loại bỏ ngay việc quy điểm xét tuyển đối với học bạ vì đó là cái muốn che giấu sự thật giáo dục và gian dối đằng sau đó.
Còn lại các trường thì để cho họ dùng phương thức xét tuyển riêng. Nhiều người đang lo ngại chúng ta bắt đầu quay lại tổ chức thi 2 lần như trước kia dẫn đến tốn kém cho người học… Tôi nghĩ, nếu mà đề thi làm tốt, phân loại tốt thì các trường hoàn toàn có thể dựa vào đây.
Theo tôi, bây giờ không chỉ là giải quyết câu chuyện đề thi hay thi tốt nghiệp, mà giải quyết bài toán mang tính hệ thống hơn, đó là câu chuyện của đổi mới quản trị tài chính các trường đại học, vấn đề học phí, vấn đề kiểm soát chất lượng và ngành đào tạo. Giải quyết được vấn đề này, việc xét tuyển sẽ không lộn xộn như vừa qua nữa”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.