Trường Đại học Mở Hà Nội: Lan tỏa triết lý đào tạo nhân văn
Cá nhân hóa nhu cầu học tập của người dân
Trong mô hình đào tạo của Trường Đại học Mở Hà Nội, người học được tiếp cận kiến thức, ngành học theo mong muốn và điều kiện cá nhân. Đặc biệt đối với hình thức đào tạo từ xa, người học muốn học ngành nào, môn học nào trong chương trình đào tạo của nhà trường cũng được đáp ứng, miễn là đạt được điều kiện tiên quyết. Việc học tập, bồi dưỡng của người học trở nên thường xuyên, liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng một xã hội học tập theo chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Mức học phí phù hợp với đại chúng
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, đối với người học, nhà trường luôn mong muốn mang đến những điều kiện thuận lợi nhất, trong đó có việc tính toán học phí ở mức tối thiểu, chi phí học tập phù hợp với nhiều đối tượng người dân.
PGS. TS Nguyễn Thị Nhung cùng với sinh viên nhà trường |
Để vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa tạo điều kiện tốt cho người học, trường đã tìm kiếm và tiếp nhận các dự án hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, nổi bật là dự án xây dựng hạ tầng đào tạo trực tuyến do tổ chức KOICA đầu tư với tổng kinh phí hơn 3 triệu đô-la; Phối hợp với hơn 70 trạm đào tạo, đơn vị liên kết để sử dụng cơ sở vật chất của các đơn vị có hiệu quả, giúp người học trên khắp cả nước có thể học và thi ngay tại địa phương, tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển.
Hướng tới các đối tượng yếu thế trong xã hội
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, trường đại học này quan tâm và hướng tới các đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội như: Người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn; người dân tại vùng sâu, vùng xa…;Từ đó xóa đi các rào cản, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người. Đã có nhiều tấm gương sinh viên khuyết tật vượt lên hoàn cảnh, học tập tốt, có việc làm ổn định, tự tạo việc làm và tạo việc làm cho nhiều người, đóng góp tích cực cho xã hội.
Hoài Thương - "Cô gái xương thủy tinh" cùng mẹ và bạn bè trong ngày vui nhận bằng tốt nghiệp |
Tại Trường ĐH Mở Hà Nội, giảng viên định hướng và hướng dẫn sinh viên sử dụng các kiến thức, kỹ năng trong ngành học để giải quyết các vấn đề xã hội. Thông qua đó, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về kiến thức chuyên môn, tạo cơ hội phát triển các kỹ năng mềm, nuôi dưỡng nhân cách, tư duy gắn kết cộng đồng xã hội và thực hiện trách nhiệm của một công dân. Một số dự án tiêu biểu phục vụ cộng đồng và mang đậm tính nhân văn như: App Caso Kết nối người già: Đạt giải Nhì cuộc thi Sinh viên với tưởng khởi nghiệp toàn quốc năm 2020; Dự án "Chinh phục ngôn ngữ dành cho trẻ rối loạn phát triển": Đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho nữ sinh viên toàn quốc 2022.
Trường cũng được biết đến với các hoạt động tình nguyện, từ thiện nhân đạo. Nhiều phong trào, hoạt động thiện nguyện của cán bộ, giảng viên và người học của trường đã ghi dấu ấn như: Hiến máu nhân đạo “Hoài bão đỏ”; Hỗ trợ gia đình có công với cách mạng, gia đình khó khăn; Dạy học miễn phí cho trẻ em; Phổ cập kiến thức công nghệ thông tin, nâng cao kiến thức pháp luật miễn phí; Hỗ trợ nhiều cơ quan, đơn vị đối tác và cộng đồng trong khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Dự án "Smart Wheel Chair" hỗ trợ người khuyết tật của sinh viên nhà trường đạt giải Nhì cuộc thi "Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc" năm 2023 |
Phát huy công nghệ hiện đại phục vụ cộng đồng
Cùng với việc phát triển các chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và bồi dưỡng ngắn hạn, từ năm 2019, Trường Đại học Mở Hà Nội đã xây dựng hệ thống các khóa học mở trực tuyến đại trà (MOOCs) cung cấp các bài giảng phục vụ cộng đồng. Hiện nay có hàng trăm khóa học miễn phí được đăng tải trên hệ thống, thu hút hàng triệu lượt theo dõi và đăng ký. Trường cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan quản lý tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các khóa học mở…, góp phần lan tỏa tri thức đóng góp cho cộng đồng.
“Với sứ mạng, triết lý giáo dục và giá trị cốt lõi đã được xác định, Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ tiếp tục mang tri thức, nhiệt huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên để phục vụ cộng đồng, cùng lan tỏa giá trị nhân văn, góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”, PGS. TS Nguyễn Thị Nhung khẳng định.