Trường ĐH Tài chính - Marketing: Bán chương trình liên kết quốc tế cho… tư nhân
Được Bộ GD-ĐT cho phép triển khai chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sỹ với Trường ĐH Help (Malaysia), thế nhưng sau đó Trường ĐH Tài chính - Marketing lại đem bán chương trình này cho một đơn vị tư nhân để hưởng “hoa hồng”… 15%.
Bộ Tài chính vừa có kết luận khẳng định Trường ĐH Tài chính - Marketing đã bán chương trình liên kết đào tạo bậc thạc sỹ ngành Quản trị Kinh doanh với Trường ĐH Help (Malaysia), cho Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM (1 đơn vị tư nhân - PV).
Với kết luận này, ĐH Tài chính - Marketing đã hoàn toàn “lách” luật của Bộ GD-ĐT trong quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 17.4.2011, Trường ĐH Tài chính - Marketing và Trường ĐH HELP (Malaysia) gửi công văn đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép được thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Theo đó, ngày 31.8.2011, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ban hành quyết định số 3899/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Trường ĐH Tài chính - Marketing và Trường ĐH HELP (Malaysia) thực hiện chương trình liên kết đào tạo cấp bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Cụ thể, theo quyết định này, Trường ĐH Tài chính - Marketing được chiêu sinh đào tạo với chỉ tiêu 40 học viên/khóa (năm 2 khóa), do đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn và năng lực sử dụng ngoại ngữ của hai trường đảm nhiệm. Địa điểm đào tạo được xác định tại cơ sở của Trường ĐH Tài chính - Marketing với mức học phí là 9.900 USD/học viên/khóa.
Tuy nhiên, cũng theo kết luận của Bộ Tài chính, ngay sau khi được Bộ GD-ĐT cấp phép, Trường ĐH Tài chính - Marketing đã bán chương trình đào tạo này thông qua một hợp đồng 03 bên (mang số 84964-D) giữa Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH HELP và Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM do ông Nguyễn Duy Gia đại diện (Viện này được đặt tại Học viện hành chính Quốc gia, đường 3/2, Q.10, TP.HCM).
Theo hợp đồng 3 bên, toàn bộ những thỏa thuận là trái hoàn toàn với quyết định số 3899/QĐ-BGDĐT ký ngày 31.8.2011 của Bộ GD-ĐT như: Học viên được đào tạo tại Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM thay vì tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, học phí do Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính thu thay vì đúng ĐH Tài chính - Marketing và chỉ chi lại cho trường 15%, đội ngũ giảng viên không phải của Trường ĐH Tài chính - Marketing…
Những số liệu… lệch pha
Theo đơn tố cáo của nhiều CB-GV Trường ĐH Tài chính - Marketing gửi Bộ Tài chính, chương trình liên kết đào tạo này hiện tại đã tuyển được trên 300 học viên đang theo học. Với mức học phí 9.900 USD/học viên theo quy định thì Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã thu với số tiền khoảng trên 3 triệu USD (hơn 60 tỷ đồng). Tuy nhiên, số tiền lợi nhận về trường trên sổ sách kế toán hiện tại được Bộ Tài chính xác định chỉ là hơn 1,6 tỷ đồng.
“Số tiền theo thỏa thuận “hoa hồng” 15% trong tổng số tiền thu được từ gần 300 học viên đã đi đâu mà trường chỉ được có hơn 1,6 tỷ đồng”, ông Bùi Đức Tâm, Phó trưởng Khoa tài chính, Trường ĐH Tài chính - Marketing, đặt vấn đề.
Ngoài ra, cũng theo kết luận của Bộ Tài chính, Trường ĐH Tài chính - Marketing còn khoản quyết toán chi phí khởi nguồn trị giá hơn 200 triệu đồng do Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM tổng hợp từ chi phí, trừ vào khoản chi trả cho trường nhưng trường hiện không có lưu hồ sơ quyết toán khoản chi phí này.
“Trường phải phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính TP.HCM làm rõ các chứng từ liên quan về khoản chi 200.294.000 đồng và báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 31.12.2014” - kết luận số 14271/BTC-TCCB do phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Tài chính) Phạm Xuân Thủy ghi rõ.
Theo Quốc Hải/Dân Việt