Trường học Hà Nội “nói không với rác thải nhựa”
Học sinh trường Tiểu học Lý Thường Kiệt thu gom pin điện tử đã qua sử dụng
Bài liên quan
Chấm dứt tổ chức lớp chuyên, lớp chọn ở cấp trung học cơ sở
Tổng bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng năm học mới
Hà Nội chỉ có 11 trường phổ thông có 100% vốn đầu tư nước ngoài
Bộ GD - ĐT nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa lớp 1
Điểm danh các trường đại học, Sở giáo dục phải dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
13 cán bộ, công chức ngành giáo dục bị xem xét kỷ luật sau gian lận thi cử 2018
Không bọc vở bằng nilon
Là một ngôi trường có hơn 1000 học sinh, nhiều năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường được trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa vào nội dung chương trình giáo dục, thường xuyên triển khai thực hiện ở nhiều mức độ khác nhau.
Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lê Quý Đôn cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền cho giáo viên và học sinh nâng cao ý thức, thay đổi thói quen sử dụng các đồ dùng bằng nhựa trong sinh hoạt. Ví dụ như khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng bình thủy tinh đựng nước thay cho bình nhựa, hạn chế đựng nước, thức ăn trong vật dụng bằng nhựa. Ngay trong dịp hè vừa qua, trường tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên trong 1 ngày về trách nhiệm của cán bộ, giáo viên tiên phong bảo vệ môi trường.
“Trong năm học tới này, nhà trường lên kế hoạch để không sử dụng bóng bay để trang trí trong lễ khai giảng. Đồng thời, trường cũng vận động phụ huynh, học sinh ở cả 3 cấp học không bọc vở bằng nilon để bảo vệ môi trường”, ông Bình chia sẻ.
Cũng đồng tình và hưởng ứng thông điệp hạn chế túi nilon để bảo vệ môi trường, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thống kê, mỗi năm, một học sinh của nhà trường sử dụng từ 30 – 50 bọc vở học sinh. Với hàng chục triệu học sinh trên cả nước, số lượng bọc vở học sinh sẽ là bao nhiêu? Lượng nilon này khi được thải ra môi trường sẽ gây nên những tác động tiêu cực như thế nào? Vì vậy, nhà trường cũng đưa ra thông điệp khuyến khích học sinh không sử dụng bọc vở bằng nilon, thay vào đó sử dụng họa báo, tờ lịch, giấy…
Không chỉ có trường THCS – THPT Lê Quý Đôn, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, theo thầy Nguyễn Đức Quang - người sáng lập và điều hành Trường Spring Hill, đơn vị này cũng hạn chế sử dụng túi nylon, tổ chức để học sinh thực hiện các dự án môi trường, đi nhặt rác trong làng, thậm chí “cấm” phụ huynh tặng hoa nhà trường trong các dịp lễ vì sẽ có nhiều rác thải, túi nilon.
“Trường không có truyền thống thả bóng bay vào các ngày lễ. Nhà trường không khuyến khích học sinh bọc vở và nhãn vở lí do là trang bìa nó đã đẹp lắm rồi và cũng để rèn học sinh ý thức giữ gìn tài sản một cách nhẹ nhàng và tỉnh thức”, thầy Quang cho biết.
Đổi pin lấy cây mới
Cũng hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường sống, trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội) có nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Chia sẻ với PV, thầy giáo Đặng Vũ Hiệp – giáo viên làm Tổng phụ trách đội trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết: “Chúng ta ai cũng biết trong pin có hàm lượng chì rất lớn, khi thải ra môi trường tự nhiên, lượng chì này sẽ ngấm xuống nước, đất gây hại đến sức khỏe con người, sinh vật tự nhiên. Chính vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc phát động các em học sinh thu gom pin để bảo vệ môi trường”.
Chương trình Đổi pin lấy cây mới của Liên đội Tiểu học Lý Thường Kiệt đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh. Để khuyến khích học sinh tham gia bảo vệ môi trường, thầy Hiệp đã làm cuốn sổ ở văn phòng Đội có ghi đầy đủ họ tên, đơn vị lớp của các em và số lượng pin thu gom được hàng ngày. Thầy gọi đó là “Gian hàng nghìn việc tốt”. Mỗi học sinh khi thu gom được pin sẽ được ghi trong sổ việc tốt, được tuyên dương và tặng quà.
Thầy Hiệp cho biết: “Tôi đã liên hệ với nhiều đơn vị để mang nộp và tiêu hủy số pin đã hết thời gian sử dụng này. Đổi pin chỉ là 1 giải pháp trong các giải pháp nhà trường đưa ra trong chương trình “Nói không với rác thải nhựa” nhằm giáo dục các em học sinh ý thức bảo vệ môi trường.
Trách nhiệm của nhà trường và toàn xã hội
Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường cần sự vào cuộc, chung tay của nhà trường, gia đình và toàn xã hội – đó là quan điểm của thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lê Quý Đôn. Thầy Bình cho biết, thầy cô giáo phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện để từ đó lan tỏa thông điệp ý nghĩa đó đến phụ huynh, học sinh. Nội dung này được đưa vào trong các bài học chính khóa và ngoại khóa, trước hết là giáo dục về ý thức và trách nhiệm của mỗi học sinh đối với môi trường, khuyến khích các bạn có những ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa.
Dành sự quan tâm lớn đến vấn đề bảo vệ môi trường, bà Phương Thị Thìn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội) cho biết nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. Công tác giáo dục được cụ thể bằng những hoạt động như: 5 phút sạch trường. Theo đó, mỗi học sinh dành 5 phút vào cuối giờ học hoặc giờ ra chơi để vệ sinh từ lớp học ra sân trường. Trường cũng phát động học sinh tham gia trồng và chăm sóc cây xanh, thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường. “Tất cả các hoạt động đều được các em học sinh, phụ huynh hưởng ứng rất nhiệt tình. Từ đó, mỗi em lại là một tuyên truyền viên tích cực đến người thân trong gia đình để lan tỏa thông điệp ý nghĩa này”, bà Thìn chia sẻ và cho biết, trường Tiểu học Văn Yên cũng đang suy nghĩ về một lễ khai giảng không bóng bay để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Có thể nói, vấn đề hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nó vẫn được thực hiện từng ngày, từng giờ dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chỉ thực sự “nóng” lên khi bức thư của em học sinh lớp 5 được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.