Trường Sinh Group gỡ bỏ quảng cáo “thổi phồng” công dụng TS Anco, TS Xuyên Tâm Liên?
Vì sao Bộ Y tế "tuýt còi" quảng cáo TS Anco và TS Xuyên Tâm Liên của Trường Sinh Group? Trường Sinh Group công bố nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe |
Hé lộ những bất thường
Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) "tuýt còi", những bài viết nhằm quảng cáo về công dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe TS Anco, TS Xuyên Tâm Liên, Trường Sinh Thảo đã được gỡ bỏ khỏi website https://duoctruongsinh.com.
Trước đó, trên website https://duoctruongsinh.com có đăng nhiều bài viết thông tin về công dụng của sản phẩm TS Anco với tiêu đề "Sản phẩm y học cổ truyền của Trường Sinh Group trong hỗ trợ điều trị COVID-19 đạt được hiệu quả cao" hay "TS Anco - Bảo vệ sức khỏe đường hô hấp trước đại dịch viêm phổi cấp"...
Các bài viết thông tin công dụng các sản phẩm TS Xuyên Tâm Liên, TS Anco, Trường Sinh Thảo của Trường Sinh Group như một sản phẩm có thể hỗ trợ điều trị COVID-19. Thậm chí, bài viết còn đưa ra phác đồ cho bệnh nhân.
Theo quảng cáo, chỉ sau từ 3 - 7 ngày, đối với F0 chưa có triệu chứng, dùng TS Anco uống ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều và tối) mỗi lần 20ml, dùng liên tục trong vòng 3 ngày sẽ khỏi bệnh. Đối với F0 có triệu chứng và bệnh nền thì dùng TS Anco uống ngày 4 lần (sáng, trưa, chiều và tối) mỗi lần 20ml.
Bài quảng cáo công dụng sản phẩm TS Anco đã được gỡ bỏ |
Nếu kết hợp viên uống Trường Sinh Thảo sáng 2 viên chiều 2 viên. Sau 5 - 7 ngày bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh. Công ty còn khuyến cáo người tiêu dùng "mặc dù điều trị 3 ngày khỏi bệnh nhưng nên dùng hết 7 ngày để loại sạch virus và loại trừ triệu chứng hậu viêm phổi".
Tuy nhiên, hiện tại, khi phóng viên truy cập vào website https://duoctruongsinh.com, đường link những bài viết trên đã không còn. Mặc dù vậy, những bài viết này vẫn còn được lưu lại trên bộ nhớ của Google (webcache Google).
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể do thấy nội dung thông tin quảng cáo vi phạm, "thổi phồng" công dụng của sản phẩm nên Trường Sinh Gruop đã cho gỡ bỏ các bài viết trên.
Trước đó, như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 23/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe TS Anco và TS Xuyên Tâm Liên trên một số website: https://duoctruongsinh.com; https://shop.truongsinhgroup.com/ts-anco-bo-phe-giam-ho-khoi-lo-viem-phoi.html; https://vitamindep.com/ts-anco-bo-phe-giam-ho-d51902722.html... Nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe TS Anco và TS Xuyên Tâm Liên vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm về sản phẩm TS Anco và TS Xuyên Tâm Liên |
Theo Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe TS Xuyên Tâm Liên do nhà máy sản xuất - Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Trang Ly (địa chỉ: KCN Nguyên Khê, tổ 61 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) sản xuất.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe TS Anco do cụm nhà máy chế biến dược liệu, thực phẩm Trường Sinh - Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh (địa chỉ: Lô B1-3 KCN Trà Đa (mở rộng), xã Trà Đa, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) sản xuất.
Các sản phẩm trên do Công tyTNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh (Trường Sinh Group, địa chỉ: Số 583 Võ Văn Kiệt, phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên một số website, đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Truyền thông của Trường Sinh Group xác nhận website: https://duoctruongsinh.com; https://shop.truongsinhgroup.com/ts-anco-bo-phe-giam-ho-khoi-lo-viem-phoi.html là của công ty.
Bộ sản phẩm TS Anco và Trường Sinh Thảo của Trường Sinh Group |
Như vậy, nếu các website trên là của Trường Sinh Group thì doanh nghiệp này đang vi phạm pháp luật về quảng cáo và cơ quan y tế sẽ làm việc với công ty để xác minh, xử lý. Tuy nhiên, bà Hà cho biết, hiện tại phía công ty chưa nhận được thông tin hay văn bản nào của Cục An toàn thực phẩm xử lý vi phạm về quảng cáo.
Bà Hà cũng cho biết sẽ xác nhận lại thông tin với bộ phận pháp lý, nếu vi phạm sẽ xem xét căn cứ theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm để điều chỉnh lại.
"Với doanh nghiệp thì quá trình mình đăng quảng cáo nhiều khi thông tin chưa rõ ràng, công ty cũng không chuyên về pháp lý nên đôi khi cũng có sai sót. Nếu có sai sót do cơ quan Nhà nước nước phát hiện thì công ty sẽ điều chỉnh, hoặc nếu có bị phạt thì công ty cũng sẽ thực hiện", bà Hà nói.
Để hiểu rõ thêm thông tin, phóng viên cũng liên hệ với bà Võ Thị Tuyết Hà - Phó Tổng Giám đốc Trường Sinh Group thì vị này cũng xác nhận các website trên là của công ty và việc quảng cáo sản phẩm đã được Cục An toàn sản phẩm cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận chi tiết về nội dung quảng cáo sản phẩm TS Anco và TS Xuyên Tâm Liên thì bà Hà từ chối và đề nghị phóng viên liên hệ với bộ phận truyền thông để làm rõ.
Sản phẩm TS Anco, TS Xuyên Tâm Liên, Trường Sinh Thảo được trưng bày tại một buổi gặp gỡ báo chí mới đây |
Nhận định về tính pháp lý về vụ việc này, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc quảng cáo sản phẩm TS Xuyên Tâm Liên, TS Anco rõ ràng là có dấu hiệu vi phạm nên Cục An toàn thực phẩm mới đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng.
Luật sư Hồng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm phải phải đăng ký cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Các hình thức quảng cáo phải tuân thủ pháp luật, không gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
"Như những thông tin trong các bài viết được đang tải trên website (https://duoctruongsinh.com - PV) thì đúng là đang quảng cáo nói quá lên về công dụng của sản phẩm, không đúng với quy định. Tuy nhiên, để làm rõ có vi phạm hay không, cơ quan chức năng cần làm việc với doanh nghiệp để làm rõ động cơ, mục đích của việc làm này từ đó có phương án xử lý", Luật sư Hồng nhìn nhận.
Hiện nay, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng (bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt) vẫn xảy ra, phổ biến là quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã thẩm định.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là nhiều loại thực phẩm đang được “thần thánh hóa”, coi như là sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh được quảng cáo rầm rộ trên rất nhiều kênh, trong đó, trên các trang website và mạng xã hội (Facebook, Zalo…) chiếm phần lớn nhằm lừa gạt người tiêu dùng.
Thực tế, từ những quảng cáo quá mức về tính năng, tác dụng của các loại thực phẩm chức năng, thậm chí, người ta sẵn sàng mạo danh, mượn hình ảnh của cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện, cơ sở y tế để gắn vào nội dung quảng cáo hoặc nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện cho người bệnh nhằm mục đích quảng cáo thực phẩm chức năng.
Với những chiêu trò tinh vi như vậy, không ít người đã bỏ khá nhiều tiền mua với niềm tin sẽ chưa khỏi bệnh, nhưng kết quả nhận được là sự thất vọng. Nguy hiểm hơn, vì tin và sử dụng thực phẩm chức năng như là thuốc nên rất nhiều bệnh nhân đã không đến cơ sở y tế để điều trị và bỏ lỡ thời điểm điều trị hiệu quả nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của bản thân.