Tự hào chồng là lính Trường Sa
Bản lĩnh của những người vợ lính Trường Sa |
Con khóc oà vì… không quen bố
Chị Mai Uyên chia sẻ, nói về Trường Sa, những người trong gia đình chị luôn xúc động và người lính Trường Sa có những câu chuyện rất đặc biệt. Con trai của chị Uyên năm nay 18 tuổi nhưng bạn ấy chưa sinh nhật chưa lần nào có bố ở nhà.
Ngày cậu học mầm non, cũng là thời điểm được gặp bố. Câu nói đầu tiên bạn ấy dành cho bố của mình là: “Mẹ ơi ai đây”. Người vợ lính Trường Sa kể: “Nghe con hỏi vậy, tôi bỗng sững lại. Rồi tôi trả lời: Đây là bố của con. Có lẽ người lính sợ nhất khi trở về nhà mà con của mình không nhận ra bố”.
Hai lần sinh con chị Uyên đều phải cấp cứu và chỉ có một mình. Khi chồng từ Đảo Trường Sa lớn về, chị Uyên có bầu, trước khi trở ra đảo, anh đưa chị vào bệnh viện. Chị mạnh mẽ vượt cạn sinh em bé thứ hai cũng không có chồng ở bên. Con trai đầu của chị lúc đó 8 tuổi. Hằng ngày cậu bé phải đem cơm đến bệnh viện, sau đó về đi học. Chị Uyên sinh bé thứ hai bị thiếu tháng, chỉ được 1.6 kg. Bao nhiêu nỗi niềm, khó nhọc, chị gánh vác một mình.
Chị Uyên (áo dài hoa vàng, xanh) |
Chồng chị đi biền biệt. Ngày anh về, bé thứ hai được 10 tháng tuổi, gặp bố, con lại khóc rất to và tỏ ra rất sợ hãi vì làn da bố sạm đen. Chồng chị phải đứng khoảng cách xa không dám lại gần, khi con gần quen với bố thì anh lại phải lên đường.
Người vợ lính nhớ lại, có một lần mẹ con chị lên thăm anh ở Học viện Đà Lạt, đứa con 3 tuổi của anh chị lần đầu tiên gọi bố. Anh sung sướng đi khoe với tất cả đồng đội, đi đâu, gặp ai, anh ấy cũng kể về niềm vui, hạnh phúc này.
“Chúng tôi sợ buổi chia tay. Có những đêm hai vợ chồng thức trắng, chỉ muốn thời gian trôi chậm lại, để giữ khoảnh khắc bên nhau, để không phải trải qua thời gian chia xa rất dài. Tôi sợ chia tay anh ở bến cảng Cam Ranh, sợ cảnh người trên tàu kẻ dưới bến, nước mắt rơi bịn rịn”, chị Uyên chia sẻ.
Hậu phương vững chắc
Dù hai vợ chồng người lính Trường Sa này phải trải qua những tháng ngày xa cách biền biệt. Người vợ nuôi con thay cả vai chồng ở đất liền, còn anh ở đầu sóng ngọn gió giấu đi nỗi niềm riêng nhưng họ vẫn vẹn nguyên ước hẹn, xây dựng gia đình nhỏ hạnh phúc.
Cũng như bao người mẹ, người vợ ở hậu phương, chị luôn tự hào vì chồng là người lính Trường Sa. Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ ngày xưa cha ông ta còn vất vả, khó khăn hơn nhiều mà vẫn vượt qua một cách hào hùng. Vậy nên, chúng ta thời bây giờ có điều kiện đầy đủ, tốt hơn nhiều nên càng phải mạnh mẽ. Tôi nguyện trở thành hậu phương vững chắc cho chồng nơi tiền tiêu”.
Dù nắng gió, mưa bão khắc nghiệt nhưng vùng biển đảo và quần đảo Trường Sa có vị thế chiến lược quan trọng, vô cùng tươi đẹp, giàu tiềm năng, là một phần máu thịt thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo vẫn kiên trì bám biển, bám đảo, ngày đêm canh giữ biên cương Tổ quốc. Những câu chuyện về cuộc sống, chiến đấu và lao động của quân và dân ở huyện đảo Trường Sa đã làm cho chúng ta càng thêm cảm phục và thương mến.
Cũng tại chương trình tọa đàm “Hà Nội với Trường Sa và trách nhiệm của lực lượng vũ trang quận Cầu Giấy” đã có nhiều câu chuyện về Trường Sa, về người lính nơi biên cương được chia sẻ.
Đó là câu chuyện của Chuẩn Đô đốc Lê Bá Sổ, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (cán bộ đã trải qua nhiều chức vụ tại Trường Sa và các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân từ năm 1975 - 2018); Đại tá Phạm Quang Tạo, nguyên Trưởng phòng Đảng viên, Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị (nguyên Đảo phó chính trị Đảo Song Tử Tây, Đảo Niêm Yết, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa từ năm 1991 - 1994)...
Từ những câu chuyện cảm động này đã tiếp thêm tình yêu biển, đảo, sự thấu hiểu khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ nơi biên cương; Qua đó góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 22/9, Ban Chỉ huy Quân sự quận Cầu Giấy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề: “Hà Nội với Trường Sa và trách nhiệm của lực lượng vũ trang quận Cầu Giấy”. Hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân, trên địa bàn đóng quân về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch, phản động; Ngăn chặn việc lợi dụng các vấn đề biển, đảo để chống phá khối đại đoàn kết dân tộc và các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam. |