Tự hào Hà Nội - 25 năm "Thành phố vì hòa bình"
Hà Nội - Thành phố vì hòa bình: “Đến để yêu!” Nền tảng vững chắc cho phát triển, hội nhập Xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” |
Nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội
Ngày 16/7/1999, Hà Nội là Thủ đô duy nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Danh hiệu này cũng góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu về Hà Nội với thế giới, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế với các nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ…
Ngày 16/7/1999, Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (Ảnh minh họa) |
Từ khi đón nhận danh hiệu này, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường... Nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Nhờ sự nỗ lực đó, trong 25 năm qua, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt công trình tiêu biểu như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
25 năm qua, Thủ đô Hà Nội được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước mà còn là trung tâm giao lưu quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng hằng năm. Số người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội cũng tăng đáng kể. Việc quảng bá hình ảnh "Thành phố vì hòa bình" qua các hoạt động đối ngoại Nhân dân luôn được thành phố chú trọng và phát huy.
Thành phố Hà Nội đã được chọn tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ thế giới và châu lục, làm cầu nối hòa bình thế giới như: Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM 5, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên…
Việc thành phố được chọn là điểm tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng chứng minh Hà Nội có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và thế giới.
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút đông đảo du khách |
Cây bút Alex Renee của trang du lịch The Travel đã từng dành nhiều lời khen khi viết về Thủ đô Hà Nội. Cô cho rằng, du khách từng đến Hà Nội yêu thích sự tiện lợi, ẩm thực ngon, giá mua sắm rẻ và lòng hiếu khách của người dân địa phương. Alex chỉ ra 8 điều khiến Hà Nội trở thành điểm đến đuợc nhiều khách nước ngoài yêu thích.
Trong đó, cô nhận xét, Hà Nội là thành phố của các bảo tàng. Hà Nội được mệnh danh là trung tâm văn hóa của Việt Nam khi có các bảo tàng, nơi trưng bày các hiện vật và câu chuyện độc đáo. Những du khách thích tìm hiểu về văn hóa, di sản địa phương sẽ muốn đến thăm các bảo tàng dành riêng cho nghệ thuật, khoa học và văn hóa tại Hà Nội.
Du khách nước ngoài hào hứng nghe hướng dẫn viên du lịch chia sẻ thông tin văn hóa về Hà Nội |
Alex đánh giá, Hà Nội là thành phố có bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo. Những người thích tìm hiểu về lịch sử sẽ yêu Hà Nội vì quá khứ lâu đời của nó. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, thành phố chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong đó, nhiều toà nhà của thành phố có kiến trúc Châu Âu, giao hòa với những ngôi đền, chùa kiến trúc Việt. T
rong cùng một thành phố, du khách cũng sẽ ấn tượng với sự giao thoa giữa vẻ hiện đại của những toà nhà cao tầng và nét cổ kính, linh thiêng của đền chùa.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách |
Trong top 15 điểm đến thịnh hành nhất thế giới 2023 cho các chuyến du lịch một mình, Việt Nam có hai đại diện là Hà Nội xếp thứ nhất và TP HCM xếp thứ sáu. Xếp hạng được dựa trên nghiên cứu mới nhất của công ty du lịch hàng đầu của Anh Explore Worldwide về dữ liệu tìm kiếm toàn cầu. Mối quan tâm với Thủ đô Việt Nam của khách quốc tế năm 2023 tăng hơn 940% so với số lượng tìm kiếm của năm 2022.
“Không có gì khó hiểu khi Hà Nội xứng đáng là điểm đến cho chuyến phiêu lưu một mình. Sở hữu vẻ đẹp đầy tính thẩm mỹ và những kiến trúc cổ xưa, Hà Nội là một nơi giàu giá trị văn hóa. Du khách đi một mình có nhiều hoạt động để trải nghiệm nơi này như ghé thăm các khu chợ ẩm thực, di tích lịch sử hay đơn giản là ngắm nhìn những con đường đầy màu sắc”, đại diện công ty du lịch có trụ sở tại Anh nhận xét.
Điểm đến của văn hóa và sáng tạo
Hơn hai thập kỷ chưa phải là khoảng thời gian dài, song là khoảng thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt những tiêu chí và sức ảnh hưởng của danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".
Theo các chuyên gia của UNESCO, cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội, tạo ra một hình ảnh nhận diện mới, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho Việt Nam. Hà Nội vươn lên không chỉ là hình ảnh một thành phố sau chiến tranh mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực.
Không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 |
Với chiều sâu văn hóa, nỗ lực đổi mới toàn diện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Hà Nội cũng là cái nôi sinh ra nhiều không gian sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ. Cuối năm 2019, Hà Nội chính thức ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.
Trong bài phát biểu tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội - Thành phố sáng tạo”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc trở thành một thành viên trong mạng lưới thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội.
Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt |
Sau 5 năm kể từ khi gia nhập Mạng lưới, Hà Nội đã bước đầu biến văn hóa thành trụ cột trong kế hoạch phát triển cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO.
Nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được thành phố ban hành nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…
Thành phố đã thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật, đẩy mạnh các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám…
Cùng với đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là một trong những sáng kiến Hà Nội cam kết thực hiện khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, được đánh giá là ví dụ điển hình cho thấy những bước thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.
Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo” không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào mà còn là động lực để Thủ đô quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến sự bền vững, phát huy sức sáng tạo của một thành phố giàu sức trẻ, với những con người đã chọn đến, yêu, ở lại và cống hiến cùng mảnh đất nghìn năm văn hiến.