Từ phế phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu hữu ích
Những năm trước, tại huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), sau mỗi vụ thu hoạch lúa, lượng rơm rạ dư thừa được nông dân xử lý bằng biện pháp đốt ngay trên đồng ruộng. Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ảnh hướng đến hệ sinh thái đồng ruộng.
Gần đây, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, nông dân trong huyện đã có nhiều hình thức tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa. Nhờ đó, phế phẩm nông nghiệp, rơm rạ đã trở thành nguyên liệu hữu ích trong sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn.
Xã Lệ Xá (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) có trên 330ha diện tích gieo cấy lúa. Mỗi năm, người dân gieo cấy hai vụ lúa nên lượng rơm rạ sau thu hoạch khá lớn.
Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa do nhu cầu sử dụng ít và thời gian chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa rất ngắn (khoảng 20 ngày) nên phần nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ tại ruộng.
Cánh đồng sau thu hoạch ở xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ nay đã không còn những cột khói từ đốt rơm rạ |
Theo quan niệm của bà con, đốt rạ trên đồng không tốn công, không tốn chi phí và xử lý phế phẩm nông nghiệp nhanh chóng. Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng khi vô hình trung làm chết những thiên địch có lợi.
Do vậy, chính quyền xã Lệ Xá đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp, nhất là rơm rạ trong sản xuất và đời sống.
Rơm rạ được bà con nông dân thu gom về xử lý |
Với 2,5 sào lúa, nhiều năm nay, bà Bùi Thị Hải ở thôn Bùi vẫn giữ thói quen thu lại rơm sau mỗi vụ thu hoạch. Vụ xuân, rơm được bà sử dụng để ủ thành phân bón, còn vụ mùa để làm thức ăn dự trữ mùa đông cho đàn bò và che phủ cây rau màu.
Gia đình bà Bùi Thị Hải thu gom rơm sau mỗi vụ mùa |
Nhiều nông dân cũng mua rơm cuộn về ủ vườn. Đơn cử như ông Nguyễn Phụng đã mua 20 cuộn rơm chở về nhà hết 500 ngàn đồng chi phí. Số rơm này, ông mang ra vườn ủ vào gốc cây trồng như cam, chanh, bưởi... một lớp dày.
Ông Phụng bảo: “Làm như vậy để chống hạn hán cho cây, hạn chế cỏ dại mọc. Quan trọng hơn nữa, đến mùa mưa, rơm rạ phân hủy thành phân bón hữu cơ giúp cây trồng trong vườn tươi tốt, đất đai thêm màu mỡ. Nếu với số tiền chừng đó bỏ ra để mua phân chuồng thì không đủ bón cho cây”.
Ông Nguyễn Phụng ra cánh đồng tìm thu mua rơm về ủ cho cây trồng |
Chỉ với một thay đổi nhỏ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, người nông dân xã Lệ Xá không những tạo ra lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống. Từ đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân bền vững hơn.