Tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp
Tạo hiệu quả kết nối cung-cầu
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre cho biết: "Mô hình "Cà phê việc làm" được triển khai vào tháng 8/2020 nhưng cho đến năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên mô hình "Cà phê việc làm" mới hoạt động trở lại. Mô hình này đã thu hút đông đảo người lao động từ các huyện: Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm, TP Bến Tre có mặt tham gia.
Người lao động được gọi nước uống trong thực đơn. Các thức uống giá từ 10.000 đồng trở xuống được miễn phí, thức uống trên 10.000 đồng thì căn tin tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre thu thêm khoản chênh lệch. Trong khi uống cà phê, người lao động được xem trình chiếu các thông tin về hoạt động của trung tâm, nhu cầu tuyển dụng, xem tờ rơi tuyển dụng lao động. "Cà phê việc làm" được tổ chức vào hàng tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre".
Mô hình "Cà phê việc làm" được tổ chức hiệu quả tại tỉnh Bến Tre |
Mô hình "Cà phê việc làm" nằm trong khuôn viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Khu cà phê việc làm được chia ra thành các khu vực: Giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm, cà phê việc làm.
Trong khoảng thời gian tham gia, người lao động có thể gặp gỡ ngay đơn vị tuyển dụng, thực hiện phỏng vấn trực tiếp, buổi phỏng vấn nếu có kết quả chậm, cũng chỉ sau khoảng 2 - 3 ngày, kể từ ngày người lao động đến đăng ký. Các tư vấn viên luôn cố gắng nhanh chóng, hướng dẫn người lao động đăng ký nhu cầu tìm việc và kết nối ngay với đơn vị, doanh nghiệp có đăng ký tuyển dụng.
Người lao động đến tìm việc, người đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp còn được trung tâm mời tham gia vào các hoạt động diễn ra tại Cà phê việc làm, như: trải nghiệm thực tế hoạt động dạy nghề nấu ăn, cắt tỉa rau củ…
Giúp người lao động sớm tìm được việc làm, nhất là lao động thất nghiệp
Điểm độc đáo của mô hình "Cà phê việc làm" là các buổi trò chuyện phỏng vấn giữa doanh nghiệp và người lao động hay các tư vấn viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm diễn ra trong không khí thoải mái, nhà tuyển dụng và người lao động được trò chuyện thân thiện hơn, phá vỡ rào cản giữa chủ - người làm công, giúp người lao động dễ trình bày về bản thân và đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng.
Người lao động nghe tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động tại "Cà phê việc làm" |
Khi đến "Cà phê việc làm", người lao động được tư vấn chính sách, pháp luật về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp; Tư vấn kỹ năng tìm việc làm đối với học sinh, sinh viên và người lao động; Kết nối nhu cầu việc làm để các nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp người lao động.
Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm Bến Tre còn tổ chức các chuyên đề về học nghề, về hoạt động thực tế của doanh nghiệp tuyển dụng, về văn hóa, ẩm thực của một vài quốc gia mà người lao động có nhu cầu tìm hiểu khi có ý định đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Tại chương trình, người lao động còn được tư vấn các thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tư vấn làm việc có thời hạn ở nước ngoài thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, xem livestream trực tiếp nội dung “Những điều cần biết khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng” và tổ chức cho người lao động và doanh nghiệp trao đổi, phỏng vấn tuyển dụng.
Em Nguyễn Thị Thuý (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Sau khi tốt nghiệp Đại học ở TP HCM, em cũng có ý định xin việc làm tại TP HCM. Tuy nhiên thấy bạn bè cùng trang lứa trở về quê hương và tìm được việc làm ưng ý thông qua các phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bến Tre, em đã thay đổi suy nghĩ và cũng muốn tìm được công việc ở gần nhà.
Qua giới thiệu của bạn bè, em đã tham gia một số chương trình "Cà phê việc làm" từ đầu năm đến. Các chị nhân viên ở trung tâm tư vấn rất nhiệt tình và em còn được mời cà phê miễn phí. Không khí buổi cà phê việc làm thoải mái. Mỗi khi kết nối được chỗ nào phù hợp, trung tâm đều điện thoại em ngay. Chỉ sau 3 lần tham gia, em đã tìm được công việc phù hợp với điều kiện”.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bến Tre cho biết thêm: "Số lượng người lao động tham gia mô hình "Cà phê việc làm" đều tăng dần qua từng kỳ. Hầu hết người lao động tìm việc nộp hồ sơ tại trung tâm đều được trung tâm mời tham gia "Cà phê việc làm" và kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển phù hợp theo từng hồ sơ.
Nhờ đó, trung tâm trở thành nhịp cầu nối hiệu quả cho người lao động có nhu cầu tìm việc làm. Kết quả người lao động tìm được việc làm nhanh hơn và phù hợp hơn. Ở những kỳ "Cà phê việc làm" cuối tháng, trung tâm thường xuyên thay đổi nội dung tổ chức, chọn một chuyên đề khác nhau nhằm thu hút nhiều người lao động tham gia hơn”.