Tuổi trẻ Hải Phòng: Những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số
Thành đoàn Hải Phòng khánh thành công trình thanh niên Thư viện số trường THPT Trần Nguyên Hãn |
Động lực phát triển của thành phố
Theo Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng, để triển khai hiệu quả chương trình công tác năm, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản triển khai các hoạt động chuyển đổi số.
Điển hình như: Kế hoạch phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Hải Phòng triển khai mô hình “Chợ dân sinh chuyển đổi số”; kế hoạch triển khai công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch, địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa”; kế hoạch triển khai bản đồ số “Thanh niên Hải Phòng vì một Việt Nam xanh”.
Xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển thành phố, là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng đã tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên thành phố.
Trong đó, Thành đoàn tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các nhiệm vụ công tác tuyên truyền giáo dục; tăng cường chỉ đạo, định hướng dư luận xã hội; đẩy mạnh sử dụng ứng dụng phần mềm để tổ chức họp trực tuyến.
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương và đồng chí Lê Khắc Nguyên Anh, Phó Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội TP Hải Phòng tại lễ khánh thành công trình Không gian đọc sách và sinh hoạt đội cho các em thiếu nhi trường THCS Vĩnh Niệm, quận Lê Chân |
Đơn vị cũng sử dụng hiệu quả trang fanpage, website Thành đoàn Hải Phòng để triển khai các cuộc thi trực tuyến, xây dựng các chuyên mục “Theo dấu chân Bác”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Học tập lý luận chính trị”; đồng thời, kết nối và chỉ đạo 100% fanpage hoặc Facebook của 35 đầu mối cơ sở Đoàn trực thuộc tích cực chia sẻ các tin, bài tuyên truyền về Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và tổ chức Đoàn, mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt việc tốt… tạo thành hệ thống tuyên truyền rộng lớn và xuyên suốt, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, bài bản và lan tỏa.
Tham gia phát triển chính quyền số, kinh tế số
Để triển khai công việc một cách nhanh chóng, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng đã chỉ đạo đồng loạt 100% các Quận, Huyện đoàn, Đoàn trực thuộc triển khai phần mềm quản lý công việc HPnet.
Qua đó, ứng dụng góp phần xây dựng hệ thống các kho công văn điện tử tập trung, khắc phục tình trạng tản mạn, thất lạc, sai lệch thông tin và cung cấp thông tin về văn bản, hồ sơ công việc nhanh chóng, chính xác, đầy đủ và kịp thời.
Đồng chí Vương Toàn Thu Thủy, Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP Hải Phòng cùng các đại biểu khánh thành công trình thanh niên “Chuyển đổi số trong tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch, địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa” |
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, năm 2022, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai phần mềm quản lý đoàn viên tích hợp với ứng dụng Thanh niên Việt Nam nhằm số hóa dữ liệu đoàn viên, dữ liệu tổ chức Đoàn và nghiệp vụ quản lý đoàn viên.
Ban Thường vụ Thành đoàn đã ban hành các văn bản chỉ đạo các Quận, Huyện đoàn, Đoàn trực thuộc triển khai thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn cũng như thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đánh giá, đôn đốc các đơn vị.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng còn đẩy mạnh công tác truyền thông về các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu thông qua bản tin số “Thanh niên Hải Phòng khởi nghiệp” trên nền tảng mạng xã hội TikTok; đồng thời, giới thiệu các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đoàn viên, thanh niên cho Sở Khoa học và Công nghệ để được hỗ trợ ươm tạo.
Các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ươm tạo đa dạng về lĩnh vực như: Công nghệ thông tin và chuyển đổi số; công nghệ vật liệu mới, bảo vệ môi trường; công nghệ năng lượng mới; chế biến nông sản phát triển thế mạnh địa phương.
Thành đoàn Hải Phòng phối hợp phối hợp với VietinBank chi nhánh Hải Phòng triển khai mô hình “Chợ dân sinh chuyển đổi số” |
Thành đoàn cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức và phát động cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng năm 2023”.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn Thanh niên TP trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, kết nối với các nhà cố vấn uy tín, nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp để chắp cánh cho những ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số và hỗ trợ các sản phẩm mô hình OCOP, mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành đoàn tổ chức chương trình “Chợ phiên OCOP Hải Phòng”.
Chương trình đã thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội như: PewPew, Hoa Hậu vỉa hè, Mỏ khoét Hải Phòng... và có sự tham gia của trên 20 sản phẩm là đặc sản của TP như: Nước mắm loại cao đạm, chả chìa mực - chả chìa tôm, thực phẩm bổ sung Trà Đông trùng hạ thảo Phúc Khang, gạo ruộng rươi, mật ong hoa rừng ngập mặn nguyên chất... với kết quả ấn tượng.
Đồng loạt triển khai xã hội số, tổ công nghệ số cộng đồng
Theo Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng, với mục đích làm mới mô hình thư viện sách truyền thống, nâng cao khả năng sáng tạo, số hóa các cuốn sách, dữ liệu, Thành đoàn - Hội đồng Đội TP đã chỉ đạo Đoàn trường THPT Thái Phiên, THPT Cát Bà và Liên đội trường THCS Ngô Gia Tự triển khai công trình “Thư viện số”.
Công trình được xây dựng dưới dạng chuyên trang nội bộ giúp người dùng truy cập dễ dàng tìm các đầu sách, toàn văn cuốn sách, thông tin về tác giả, tác phẩm, một số bình phẩm của người dùng và tóm tắt nội dung sách.
Năm 2023, Ban Thường vụ Thành đoàn còn triển khai các công trình thanh niên thực hiện chuyển đổi số góp phần quảng bá các di tích lịch sử địa phương. Trong đó, điển hình như các mô hình: “Không gian thực tế ảo các điểm di tích” trên địa bàn quận Hồng Bàng; mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa” trên toàn thành phố.
Đến nay, toàn TP đã có 258 di tích được xây dựng đăng tải nội dung, 224 điểm di tích được gắn mã QR (trong đó, 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 43 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 165 di tích được xếp hạng cấp thành phố). Kết quả đạt trên 68%, vượt chỉ tiêu đề ra (258/150), chiếm 2/3 di tích được số hóa.
Chưa dừng lại ở đó, Ban Thường vụ Thành đoàn tăng cường chỉ đạo các cấp bộ Đoàn toàn TP chủ động, tích cực trong thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy Nhân dân và thanh niên thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc triển khai mô hình “Chợ dân sinh chuyển đổi số” và “Khu phố 4.0”.
Không chỉ tham gia phát triển xã hội số, tuổi trẻ Hải Phòng còn tích cực tham gia phát triển tổ công nghệ số cộng đồng. Theo đó, tổ công nghệ số cộng đồng TP đồng loạt tổ chức hoạt động hưởng ứng lễ ra quân Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2023 và Ngày thứ Bảy giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó, các Quận, Huyện đoàn trực thuộc đã triển khai ra quân đồng loạt tổ công nghệ số cộng đồng hưởng ứng “Ngày chuyển đổi số quốc gia” năm 2023, thu hút được đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh niên.
Các tổ công nghệ số cộng đồng còn phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tương tác với chính quyền qua nền tảng số cũng như tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín; kỹ năng thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, Ban Thường vụ các Quận, Huyện đoàn trực thuộc còn hướng dẫn đoàn viên, thanh niên cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên, app “Thanh niên Việt Nam”; vận động, hướng dẫn phụ huynh học sinh, học sinh cài đặt và sử dụng app “Làm việc tốt”; hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi.