Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ đê điều
Người dân chung tay bảo vệ hệ thống đê điều
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có các sông lớn chảy qua như: sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Cầu và sông Cà Lồ. Do đó, để bảo đảm an toàn cho thành phố trong mùa mưa lũ, Hà Nội có một hệ thống đê dài hơn 626km được đầu tư xây dựng dọc theo các con sông.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai thời gian qua diễn biến phức tạp. Nhiều công trình, nhà ở, cây trồng, rào dậu nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều. Các hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi nhiều nơi không đúng quy định. Xe quá tải trọng đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...
Tuyến đê kiểu mẫu ở phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai). |
Trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn TP Hà Nội phát sinh 7 sự cố về kè, 17 sự cố về đê, 3 sự cố về bờ bãi sông và 1 sự cố điềm canh đê, 63 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Khắc phục tình trạng này, các địa phương đã quyết liệt, xử lý dứt điểm vi phạm hành lang thoát lũ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê điều,
Song song với các giải pháp của các ngành chức năng trong việc phòng, chống sạt lở công trình đê điều thì cũng đòi hỏi người dân cần tích cực tham gia vào công tác này, đặc biệt là không xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình đê điều, góp phần ngăn ngừa nguy cơ sạt lở xảy ra.
Tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua phường Thanh Trì, Trần Phú (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) trước kia tình trạng người dân sống ở ven đê đặt chậu cây cảnh, trồng rau màu, đổ rác thải trên mái đê diễn ra phổ biến, gây mất an toàn đê, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.
Để bảo đảm an toàn đê điều, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, quận Hoàng Mai chỉ đạo các phường có tuyến đê chạy qua kiên quyết xử lý vi phạm, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu.
UBND quận Hoàng Mai đã chủ động bố trí kinh phí để cải tạo, chỉnh trang mái đê, đường hành lang chân đê, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thay đổi bộ mặt của đoạn đê.
UBND phường, Hạt Quản lý đê, Hội Cựu chiến binh cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều.
Sau khi mái đê, đường hành lang đê được chỉnh trang, cảnh quan đô thị như được thay mới, ý thức của các hộ dân ven đê được nâng cao, các hành vi vi phạm không còn tái diễn, thậm chí các hộ dân ven đê cùng với Hội Cựu chiến binh đã tự nguyện bỏ công sức tổ chức chăm sóc, bảo vệ hoa, cỏ mái đê, nhờ đó cảnh quan xanh, sạch đẹp luôn được duy trì.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi
Để nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật phòng chống thiên tai, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong công tác phòng ngừa, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai….
Ngoài ra, các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện phổ biến, tuyên truyền Luật Đê điều sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành rộng rãi trong nhân dân và chính quyền, phát các cuốn Luật Đê điều, hỏi đáp về Luật Đê điều, tờ rơi, cùng các tài liệu liên quan nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều |
Đối với lực lượng quản lý đê chuyên trách đều được tham dự các lớp tập huấn và nghiên cứu sâu về Luật Đê điều sửa đổi, thảo luận về những điều khoản còn vướng mắc khi áp dụng thi hành Luật như: hành lang bảo vệ, khu dân cư, khu đô thị, công tác tu bổ đê điều, cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều, quản lý, sử dụng bãi sông theo Luật…
Các hạt quản lý đê cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai đến cộng đồng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Nội dung tập trung vào các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai; quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai của Thành phố; tính chất bất thường của mưa, lũ, bão; trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý và bảo vệ đê điều.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tổ chức hàng trăm hội nghị với hàng vạn lượt cán bộ và nhân dân tham dự. Đồng thời, các phương tiện thông tin tại các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt mở các chiến dịch tuyên truyền Luật Đê điều sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành. Đài truyền thanh các xã, phường liên tục phát tin bài tuyên truyền, phổ biến về Luật Đê điều sửa đổi, các văn bản hướng dẫn thi hành.
Định kỳ, Hạt Quản lý đê cung cấp tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều để các xã, phường, thị trấn phát trên đài truyền thanh.
Thông qua các đợt tập huấn, các cấp chính quyền địa phương ở Hà Nội lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai đến đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.