Xử lý vi phạm pháp luật đê điều: Thường xuyên, liên tục, có tính răn đe
Bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ Sớm bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống công trình phòng chống thiên tai Đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó bão Noru |
Xâm phạm đê điều do… “chủ quan”
Đê điều là công trình phòng, chống lũ đặc biệt quan trọng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven sông đã có những tác động tiêu cực đối với hệ thống đê điều như: Gia tăng lượng xe, máy có tải trọng lớn trên đê; Vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, mái đê, thậm chí mặt đê; Đổ phế thải ra khu vực đê, kè, bãi sông; Hoạt động hút cát lòng sông, san lấp bãi sông…
Tình trạng vi phạm pháp luật đê điều xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương |
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, hệ thống đê điều của nước ta được dựng xây bền bỉ qua nhiều thế hệ, là công trình đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn lũ, chống bão, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản và phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, trên 2.741km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hiện còn 242 trọng điểm xung yếu, và hơn 7.600 vụ vi phạm pháp luật về đê điều chưa được xử lý (số liệu tính đến tháng 6/2022).
Điển hình như trên địa bàn TP Hà Nội, tại 5/8 xã của huyện Thường Tín có tuyến đê sông Hồng đi qua nhiều năm qua do buông lỏng quản lý nên đã để xảy ra vi phạm, trong đó có các xã, như: Ninh Sở, Thống Nhất, Hồng Vân, Vạn Điểm và Chương Dương. Trong số các xã này phải nói đến xã Ninh Sở để xảy ra vi phạm đất đai, trật tự xây dựng lên tới 10 trường hợp, diện tích vi phạm nhỏ nhất 40m2, lớn nhất là 4.500m2, chủ yếu được làm bằng khung sắt, mái tôn.
Hay như vụ việc, hàng ngàn mét vuông đất thuộc khu vực bãi bồi ven sông Hồng địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội biến thành khu vực chôn lấp phế thải, san gạt mặt bằng trái phép. Vụ việc hợp tác xã Vôi Dân Chủ sử dụng hàng nghìn mét khối chất thải xây dựng đổ tràn lan nhằm mục đích san lấp lòng sông Hồng và khu vực ngoài dự án.
Người dân tại xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) mới đây đã không khỏi bất ngờ khi UBND xã chỉ đạo các xe tải, máy xúc ồ ạt đem đất, đá đến san lấp sông Hệ ngay bên cầu Khánh Dưỡng để thuận tiện đường đi cho các doanh nghiệp khai thác mỏ. Việc làm này đã làm chặn lại dòng chảy của con sông, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn đê điều còn gặp nhiều thách thức do tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp; việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê.
Ở nhiều nơi, do không xuất hiện lũ lớn, khiến một số người dân và cán bộ chính quyền cấp cơ sở chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hệ thống đê điều. Bên cạnh đó, nhu cầu về sử dụng đất đai, nhà ở, vật liệu xây dựng của người dân, nhất là vùng ven đê ngày càng lớn; trong khi đó, việc tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê theo quy định của Luật Đê điều chưa được thực hiện. Hơn nữa, một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ về đất đai, trật tự xây dựng, chưa kịp thời ngăn chặn và quyết liệt xử lý, giải tỏa vi phạm...
Tăng cường xử lý
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng, nhiều lãnh đạo địa phương đã có các chỉ đạo kiểm tra xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều.
Tỉnh Phú Thọ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai; không để tình trạng tái phạm xảy ra trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, giao thông, vận tải.
Hồi đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố có đê và các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý đê điều và xử lý tình trạng xe quá tải trọng đi trên các tuyến đê.
Tháng 5/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã có Công văn số 61/TB-STNMT thông báo dừng hoạt động, tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng ở lòng sông nhằm tránh các tác động xấu tới đê điều, dòng chảy của các tuyến sông trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão.
Còn tại tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành Quy định phạm vi vùng phụ cận và các trường hợp cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khác, hành lang bảo vệ đê cấp IV, cấp V trên địa bàn tỉnh.
Một trong những công trình vi phạm Luật Đê điều được UBND xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) xử lý xong trong tháng 9/2022 |
Ông Trần Công Tuyên, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Bộ NN&PTNT) đề nghị, trong năm 2022, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định tại Chỉ thị số 24/CT-TTG ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Theo đó, các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều phải tăng cường tuần tra, bám tuyến, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện và kiến nghị ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; Theo dõi chặt chẽ quá trình xử lý và lập hồ sơ quản lý đối với từng vụ vi phạm.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy lợi cần tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tổ chức các đoàn liên ngành (nhất là sự vào cuộc của lực lượng công an) để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất; Mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nổi cộm. Trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự để tạo tính răn đe.
Tăng cường tính chủ động trong công tác bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai |
Đảm bảo an toàn đê điều, ứng phó bão Noru |
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại 3 tỉnh miền Trung |