Tỷ lệ nợ xấu Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng lên ngưỡng báo động
Giảm trích lập dự phòng rủi ro, nợ xấu tăng cao
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, UPCoM: BVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021.
Theo đó, thu nhập lãi thuần quý III/2021 của Viet Capital Bank đạt 338 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, các nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 6 lần, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 80%, lãi từ hoạt động khác cũng tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, kỳ này, Viet Capital Bank dành đến 172 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, do đó chỉ còn báo lãi trước thuế hơn 48 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng năm 2021, Viet Capital Bank trích gần 243 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, ngân hàng báo lãi trước thuế gần 386 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản Viet Capital Bank ghi nhận 65.821 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt ở mức 663 tỷ đồng, tăng 53%; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng 8.089 tỷ đồng, giảm 13%; cho vay khách hàng đạt 44.841 tỷ đồng, tăng 13%.
Cũng tại thời điểm ngày 30/9/2021, tổng nợ xấu của Viet Capital Bank tăng 19% so với đầu năm, ở mức 1.318 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn với 26% lên mức 957,3 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 6% lên mức 230,8 tỷ đồng.
Nợ có khả năng mất vốn của Viet Capital Bank tăng cao |
Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của Viet Capital Bank tăng từ 2,79% đầu năm lên 2,94%, gần chạm ngưỡng tối đa 3% mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc các nhà băng thực hiện chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì việc nợ xấu tăng là chuyện đã nằm trong dự báo.
Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch và vượt ngưỡng 3% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra vào năm 2021.
Hơn 40 triệu cổ phiếu đang bị phong tỏa
Trong một diễn biến khác, tại báo cáo thường niên năm 2020 của Viet Capital Bank thể hiện, trong tổng số 317,1 triệu cổ phần đang lưu hành, có tới 40.866.775 cổ phần (chiếm 12,89%) bị phong toả và 42.415.371 cổ phần (chiếm 13,38%) bị hạn chế chuyển nhượng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) |
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện 40.866.775 cổ phần của Viet Capital Bank bị phong tỏa trùng với khối cổ phần thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Trần Hưng Đạo để đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phương Nghi, theo hợp đồng tín dụng số LD1226900134 ngày 24/9/2012.
Được biết, lô cổ phần trên từng được Sacombank chi nhánh Trần Hưng Đạo định giá ở mức gần 515 tỷ đồng (12.600 đồng/cổ phần), khi nhận làm tài sản bảo đảm vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, ngân hàng chỉ định giá lô cổ phần này ở mức 450 tỷ đồng (11.000 đồng/cổ phần).
Khoản nợ này tính đến giữa tháng 7/2021 đã lên tới 1.005 tỷ đồng, trong đó 424,5 tỷ đồng nợ gốc, 581 tỷ đồng tiền lãi. Trước đó, cuối năm 2018, Sacombank bán lại khoản nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Tuy nhiên sau đó VAMC lại uỷ quyền cho Sacombank xử lý nợ, hiện khoản nợ đang được Sacombank chào bán với giá khởi điểm 905,4 tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn hiện tại có người đại diện theo pháp luật là bà Viên Tú Anh, chính là chị vợ của ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Công ty Cổ phần Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM). Tài sản đảm bảo này được Sacombank nhận thế chấp và định giá hơn 5.927 tỷ đồng vào quý 3/2012.
Đến cuối năm 2018, Sacombank đem toàn bộ dự án gộp chung với “một phần thửa đất số 122, tờ bản đồ số 107, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM”, rao bán với mức giá 6.029 tỷ đồng. Khối tài sản này tiếp tục được ngân hàng rao bán vào năm ngoái, nhưng với mức giá khởi điểm chỉ còn 5.026 tỷ đồng, giảm khoảng 1.003 tỷ đồng so với trước đó.
Được biết, Viet Capital Bank hiện nay do ông Lê Anh Tài làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Ngô Quang Trung làm Tổng Giám đốc. Mặc dù vậy, ngân hàng này được biết đến nhiều với cái tên của bà Nguyễn Thanh Phượng, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Giữa tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản 6561/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung phân loại khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng, để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng. Cụ thể, các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Cùng đó, các nhà băng phải duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. |