Ứng dụng công nghệ thông tin phục hồi du lịch trong tình hình mới
Số hóa là xu hướng tương lai của ngành du lịch
Theo thống kê năm 2019 - thời điểm trước khi có dịch Covid-19, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói suốt gần 2 năm vừa qua chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động và phần lớn lao động du lịch bị mất việc làm.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về tài chính, tài khóa và gói an sinh xã hội cho lao động du lịch; Đồng thời, hợp tác với các đối tác để thực hiện các chương trình đào tạo, đào tạo lại cho nhân lực du lịch trong thời gian tới.
Chính phủ đã đồng ý kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào cuối năm 2021. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ quản lý, thúc đẩy để từng bước cân bằng cung cầu của thị trường lao động du lịch, cũng như tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Du khách tìm hiểu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) thông qua các ứng dụng kỹ thuật số |
Du lịch Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và các đối tác thông qua các hoạt động và dự án trong tương lai. Trong đó, việc số hóa, chuyển đổi số là bước đi tất yếu của hoạt động du lịch trong tình hình mới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng “Digitalisation - số hóa” là một xu hướng tương lai của ngành du lịch. Vì nhu cầu về dịch vụ du lịch kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng nhiều và ông tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, dân số thế giới ngày càng gia tăng, khách du lịch sử dụng thiết bị thông minh và hiểu biết về công nghệ ngày càng nhiều do đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, điểm đến du lịch phải tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 cho phát triển sản phẩm du lịch số; Hạn chế tiếp xúc và đem đến trải nghiệm thú vị và chân thực hơn cho du khách. Đồng thời, số hóa sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch thông minh, kiểm soát an ninh và an toàn cho du khách thông qua các ứng dụng chuyển đổi số.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác về triển khai các giải pháp chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh cho du lịch Thanh Hóa, Hà Giang; Xây dựng bản đồ số du lịch Việt Nam an toàn tích hợp vào ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn"...
Sử dụng ứng dụng công nghệ, công nghệ thực tế ảo để thúc đẩy du lịch phục hồi
Để tăng cường việc quảng bá du lịch hiệu quả tránh sự tác động của dịch bệnh Covid-19, đầu tháng 1/2021, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra mắt chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội Youtube - “Việt Nam: Đi để yêu” với sự tham gia của nhiều YouTuber (người sáng tạo nội dung trên Youtube), nhằm kích cầu thị trường du lịch nội địa.
Chương trình quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube |
Sau khoảng một tháng, các trải nghiệm bằng hình ảnh được đăng tải trên YouTube đã thu hút hơn 1 triệu lượt người xem, tạo hiệu ứng lớn cho hoạt động quảng bá.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch còn phối hợp với Tập đoàn Google (Mỹ) thực hiện triển lãm trực tuyến “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 1.369 bức ảnh nghệ thuật chất lượng cao về các cảnh đẹp của Việt Nam, làm nức lòng nhiều tín đồ du lịch trên khắp thế giới.
Đây được xem là bước đột phá của du lịch Việt Nam trong ứng dụng công nghệ số để quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế.
Việc chuyển đổi số cũng tạo nên diện mạo mới cho du lịch Việt Nam, khi hàng loạt các địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế… thực hiện số hóa các điểm đến bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo, hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR Code tương tác tại các điểm tham quan, bảo tàng, di tích…
Hiện nay, nhiều di tích, bảo tàng, điểm văn hóa cung cấp dịch vụ thực tế ảo và thanh toán trực tuyến tại các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa thông qua nền tảng số; Triển khai các ứng dụng thuyết minh tự động trên thiết bị thông minh bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác…
Tại Hà Nội, nhiều điểm đến, như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa tư liệu, nhiều điểm đến của Thủ đô còn liên kết với các công ty chuyên về công nghệ để phát triển các nền tảng số trong việc phục vụ du khách.
Số hóa du lịch góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua đẩy mạnh marketing bằng công nghệ; Tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển điểm đến.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cung cấp các thông tin du lịch qua internet, mạng xã hội, ứng dụng di động, du lịch trực tuyến có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các công ty lữ hành mà còn hữu ích với mọi du khách.