Ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát chất thải nhựa
Nguồn rác khổng lồ từ hàng hóa
Theo báo cáo Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) tài trợ, trong 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%. Nhiều chuyên gia dự đoán, mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
Rác thải nhựa từ thương mại điện tử ngày càng gia tăng |
Sự phát triển của thương mại điện tử dẫn đến gia tăng nhanh chóng trong việc sản xuất, tiêu thụ các loại bao bì, gồm cả các sản phẩm nhựa, dẫn đến một lượng lớn chất thải nhựa ra môi trường.
Nghiên cứu chỉ ra trong năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tới 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn.
Doanh nghiệp (nhà cung cấp, đơn vị phân phối, vận chuyển…) đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và cũng đang tạo ra lượng rác khổng lồ thông qua việc thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm.
Các loại bao bì thường được sử dụng trong thương mại điện tử bao gồm hộp carton, bao bì nhựa, màng xốp hơi… Đây đều là những loại bao bì khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton gấp nhiều lần so với việc người mua tự đến cửa hàng.
Lượng tiêu thụ hộp carton càng nhiều cũng có nghĩa phải khai thác nhiều cây xanh hơn để làm nguyên liệu thô sản xuất giấy. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có các giải pháp đồng bộ trong giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là từ thương mại điện tử.
Giải quyết sự thiếu hụt về cơ sở khoa học, công nghệ
Để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và từ thương mại điện tử nói riêng, thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức đã phối hợp triển khai các sáng kiến về giám sát chất thải nhựa. Cụ thể như chương trình giám sát chất thải nhựa trên sông do UNEP thực hiện; chương trình của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô; sáng kiến của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) về ứng dụng báo cáo và theo dõi các điểm rác tự phát, không đúng quy định tại Việt Nam (app săn rác)...
Các đoàn viên thanh niên tham gia dọn rác, bảo vệ môi trường biển |
Các nghiên cứu gần đây của UNEP đã chứng minh tiềm năng của các công nghệ tiên tiến và sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và giám sát ô nhiễm rác thải nhựa. Một số công nghệ tiên tiến về giám sát chất thải nhựa đã được triển khai bao gồm sử dụng điện thoại di động để xác định các điểm tích tụ và xả rác thải nhựa; đặt camera quan sát để theo dõi tình trạng ô nhiễm nhựa ven sông và sử dụng máy bay không người lái (UAV) để đo lượng nhựa trôi nổi trên sông và chất thải nhựa tích tụ tại các khu vực trên đất liền.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra, một trong những vấn đề khó khăn hiện nay đối với nhiệm vụ điều tra, khảo sát và giám sát ô nhiễm do rác thải nhựa trên biển đó là sự thiếu hụt về cơ sở khoa học, công nghệ, dữ liệu và thông tin về hiện trạng cũng như thiếu công cụ giám sát thường xuyên, hiệu quả tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở môi trường biển.
Mặt khác, do phạm vi giám sát quá rộng, các phương pháp quan trắc giám sát truyền thống khó có thể phủ trùm và thực hiện một cách thường xuyên.
Xuất phát từ thực tiễn đó, trong 3 năm 2022 - 2024, Cục Viễn thám quốc gia phối hợp với Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai xây dựng Dự án “Giám sát rác thải nhựa ven biển bằng công nghệ viễn thám” trên phạm vi các khu vực ven biển và biển ven bờ Việt Nam.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát ô nhiễm rác thải nhựa trên biển và vùng ven bờ. Bên cạnh đó với phương pháp và quy trình công nghệ tiên tiến, dự án sẽ cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện và tiến hành giám sát trên diện rộng đối với các bãi, đám rác thải nhựa lớn cũng như ảnh hưởng của chúng tới môi trường sinh thái.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, để thực hiện dự án, Cục sử dụng các loại ảnh chụp từ không gian với diện tích phủ trùm lớn, tần suất chụp lặp lại cao, cung cấp được thông tin thu nhận trên nhiều kênh phổ khác nhau để quan trắc trực tiếp trên biển.
Bên cạnh đó, Cục cũng sử dụng dữ liệu viễn thám SAR nhạy cảm với độ nhám của các đám rác thải nhựa so với bề mặt xung quanh để phát hiện, khoanh vẽ và giám sát các khu vực có ô nhiễm rác thải nhựa, các thành phần vi nhựa.
Mặt khác, theo nghiên cứu, các vật chất nhựa trôi nổi trên biển sẽ tạo ra môi trường sống cho các vi sinh vật. Hoạt động của các vi sinh vật trên bề mặt vật chất nhựa sẽ tạo ra các lớp màng sinh học và các vệt (mảng tối). Những màng sinh học và các vệt này có thể quan sát được trên ảnh radar (các mảng tối trên ảnh radar đen trắng) trong khi không thể nhận biết được trên ảnh quang học.
Cùng với đó, do sự khác nhau rõ rệt về phản xạ phổ của rác thải nhựa so với môi trường xung quanh nên khi phân tích ảnh có thể sớm phát hiện, nhận dạng và phân loại rác thải nhựa trên biển.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quốc Khánh với việc áp dụng giải pháp kỹ thuật xử lý dữ liệu viễn thám kết hợp với mô hình mô phỏng sẽ giảm rõ rệt công tác khảo sát lấy mẫu trên biển, góp phần giảm chi phí nhân công, trang thiết bị, tàu thuyền.