Ứng xử hài hòa với thiên nhiên để giảm bớt cái nóng mùa hè Hà Nội
Cây xanh và hồ nước mang đến không gian mát mẻ và trong lành cho người Hà Nội
Bài liên quan
Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc
Hà Nội: Tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng và bạch hầu
Hà Nội: Đảm bảo y tế cho kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia
Hà Nội: Đảm bảo công tác xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 (Covid-19) trong tình hình mới
Hãy yêu cây xanh như yêu lá phổi của mình
Nóng, nóng, nóng và… nóng, đó là những từ “thời sự” của Hà Nội những ngày này. Vào cuối tuần, người Hà Nội có thể tránh nóng bằng chuyến du lịch ngắn ngày đến Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo. Người có điều kiện thì đi xa hơn, khám phá các điểm du lịch thú vị khắp đất nước nhưng không phải ai cũng có thể đi được mãi.
Nắng nóng nối dài từ tuần này sang tuần khác, lại vào đúng dịp thi cử, không có cách nào khác, những công dân Thủ đô đành phải trân mình sống chung với “hiệu ứng đô thị”, “bức xạ nhiệt theo chiều ngang” giữa các công trình bê tông làm Hà Nội như chiếc chảo lửa cả ngày lẫn đêm. Lúc này, người ta mới thấm thía tác dụng của cây xanh - dũng sĩ hiên ngang che nắng, giảm sức nóng của bề mặt.
Nhiều người vẫn tự hào Hà Nội là thành phố của cây xanh. Trên khắp các nẻo phố, đâu đâu cũng bắt gặp cây xanh tỏa bóng, nhiều gốc cây cổ thụ dễ đến gần trăm tuổi, trở thành dấu ấn riêng của từng tuyến phố, khiến nhiều người nhớ.
Trước mùa mưa bão, nếu con người dù ít dù nhiều cũng biết trước và vẫn có ý thức tự bảo vệ được mình, thì cây cối dường như việc tự bảo vệ và được bảo vệ là hai điều không thể… ngang nhau. Lợi ích của cây với đường phố, với môi trường, với bản thân mỗi người thì ai cũng biết nhưng việc đền đáp lại những lợi ích ấy thì nhiều người nghĩ chỉ là việc của công ty công viên cây xanh.
Đòi hỏi người Hà Nội bảo vệ cây, hồ hay môi trường xem ra là một việc làm khá khó khăn và cần nhiều sự kiên trì. Những cây xanh của Hà Nội hiện đã được đánh số để theo dõi nhưng thiết nghĩ, việc bảo vệ cây xanh không chỉ riêng cơ quan chức năng mà còn của chính mỗi người dân chúng ta.
Trong khi đó, đôi khi vì sự ích kỉ cá nhân, một số người chẳng những quý trọng lợi ích của cây xanh mà còn âm thầm ứng xử rất thiếu văn hóa. Trên một số tuyến phố của Thủ đô, có người lén lút cạo vỏ cây, đổ nước sôi, đổ dầu và nói chung là các chất độc hại vào gốc cây, cốt mong sao cho cây… nhanh chết đi, đừng “án ngữ” trước cửa nhà mình.
Hoặc nhiều gốc cây xanh tới rằm mùng một lại trở thành nơi đốt vàng mã. Có những cây còn trở thành giá đỡ cho gương cắt tóc, đựng hàng hóa, là nơi đặt bếp than tổ ong… của người bán hàng vỉa hè.
Những hành động nhiều khi rất hồn nhiên và ngang nhiên ấy, diễn ra ai cũng dễ dàng nhìn thấy, dễ dàng bắt gặp, nhưng lại đứng ngoài các chế tài xử phạt hoặc chưa thấy mấy ai bị xử phạt một cách nghiêm khắc. Chỉ khi những kẻ phá hoại cây cối bị đưa ra xét xử nghiêm minh như với bọn “sưa tặc” thì may ra đời cây mới bớt xanh xao.
Bảo vệ hồ như bảo vệ “chiếc điều hòa khổng lồ” cho thành phố
Người ta cũng thầm cảm ơn, vì Hà Nội còn có hồ - những chiếc điều hòa nhiệt độ khổng lồ.
Hà Nội là thành phố trong sông, vì thế, hẳn nhiên Hà Nội có nhiều hồ. Nếu những ngày này không có khoảng không lộng gió quanh những chiếc hồ thì không biết cái nắng nóng tích tụ trong từng con phố, dồn lên từng con người sẽ trở nên khủng khiếp như thế nào. Từ mờ sáng cho đến tối khuya, hồ vốn là nơi diễn ra nhiều hoạt động như tập thể dục, ngắm cảnh, dạo mát… nay lại càng đông vui, tấp nập hơn bao giờ hết.
Nhiều người còn ước, hồ sẽ biến thành “nhà” của mình. Có người thì mặc nhiên coi hồ là nơi cư ngụ chính, khi mà ngay cả ban đêm, nền nhiệt thấp nhất của Hà Nội là trên 30 độ C. Dù tình trạng mất điện về đêm không còn là nỗi kinh hoàng như những năm trước nhưng rõ ràng, nỗi lo ấy chẳng là gì, bởi thay vì chui vào căn phòng điều hòa kín mít, thì điềm nhiên tĩnh tại hưởng thụ gió trời mát lành của hồ hẳn là lựa chọn an toàn và tiết kiệm hơn cả.
Tuy vậy, hồ không chỉ hữu ích mỗi khi nắng nóng. Chẳng những là nơi hội tụ khí thiêng ngàn năm, hồ Hà Nội còn là những tấm gương để thành phố nghiêng mình duyên dáng soi bóng. Dù thành phố có kiến trúc lộn xộn thiếu quy hoạch, bầu trời có bị cắt xẻ, bụi bặm hay những tòa nhà hiện đại đẹp như mơ, những rặng cây xanh tốt bốn mùa thì qua mặt nước phẳng lặng, hình ảnh cũng trở nên đẹp và thơ mộng hơn bao giờ hết.
Nhà bưu điện Bờ Hồ và bạt ngàn lộc vừng, gạo, phượng, bằng lăng ôm trọn lấy bóng tháp Rùa ở hồ Gươm. Khách sạn Sofitel, những biệt thự hồ Tây và bóng trai gái yêu nhau tình tự trên đường Thanh Niên giữa lớp lớp mây trắng soi xuống lòng hồ Tây. Rồi hồ Thiền Quang, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, hồ Ba Mẫu, hồ Ngọc Khánh, hồ Giảng Võ…
Bất cứ khi nào muộn phiền với bộn bề cuộc sống, tôi đều chọn một chiếc ghế đá sát mép hồ, ngắm hình ảnh phản chiếu dưới mặt gương là thấy lòng mình như lắng dịu lại. Chợt nghĩ, nếu Hà Nội không có hồ, nghĩa là thành phố không có không gian để thở, thì có lẽ sẽ ít đi những người yêu đến mê đắm mảnh đất này.
Cuộc sống quanh hồ cũng là một phần của bộ mặt thành phố. Người Hà Nội chọn hồ làm nơi vui chơi giải trí hay bám lấy hồ để mưu sinh bằng đủ mọi nghề khác nhau. Từ xe ôm, nhặt rác, quán nước chè, dăm ba cái kẹo lạc, gánh hàng rong, vài cái bánh dầy giò, xôi, bánh khúc, vài quả dứa, chuối, mận hay thuốc lá thuốc lào, thậm chí là thuốc phiện và cả những thứ khủng khiếp khác.
Đối với nhiều người, hồ là của thiên nhiên, vì vậy họ mặc nhiên sử dụng đến mức tận dụng triệt để hồ. Nếu biết nói, tất cả các hồ ở Hà Nội đều kêu cứu. Theo nhiều tài liệu, nội thành Hà Nội hiện nay chỉ còn khoảng 100 chiếc hồ lớn nhỏ, với diện tích mặt nước khoảng hơn 1.000ha. Từ năm 1990 đến nay, có khoảng hơn hai chục chiếc hồ bị xóa sổ và hàng trăm héc ta diện tích mặt nước bốc hơi không dấu vết.
Những chiếc hồ như hồ Ngọc Hà, hồ Vạn Phúc, hồ Hào Nam từ lâu đã vắng bóng trong “từ điển hồ” của Hà Nội. Số phận những chiếc hồ còn lại cũng không “khá khẩm” gì hơn. Cái thì bị đóng cọc, đổ đất lấn chiếm dần (hồ Tây, hồ Trúc Bạch…), cái thì bị ô nhiễm nặng vì người dân đổ rác thải bừa bãi xuống (hồ Linh Quang, Rẻ Quạt, Tứ Liên…).
May ra chỉ có hồ Gươm, hồ Thiền Quang, hồ Thủ Lệ gần đây là không bị lấn chiếm. Chỉ bằng cảm quan, người ta cũng có thể thấy hầu như hồ nào ở Hà Nội cũng lập lềnh vô số các loại rác, vừa mất mĩ quan vừa bốc mùi nồng nặc khiến một số hồ Hà Nội không còn là viên ngọc quý mà là nỗi ám ảnh mỗi khi phải đi qua đây.
Vì vậy, hơn ai hết, trong những ngày nắng nóng này, người Hà Nội phải nhận lại tất cả những gì mình gây ra cho hồ. Thoảng trong cơn gió mùa hè, tôi hi vọng chút trắc ẩn của con người với những cái hồ Hà Nội sẽ lay động.