VAFI đề xuất thanh tra việc thổi giá chứng khoán, doanh thu lợi nhuận giả
Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra gấp Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) |
Ngày 11/6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính liên quan đến việc thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
Trong văn bản, VAFI hoan nghênh quyết định của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khi giao Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc thanh tra hành chính sàn HOSE để xác định nguyên nhân và tình trạng nghẽn lệnh giao dịch.
Tiếp theo, VAFI đề xuất cơ quan thanh tra của Bộ Tài chính cần đi tìm nguyên nhân lý giải tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HOSE không thể làm chủ công nghệ vận hành.
Ảnh minh họa |
Một vấn đề nữa được VAFI đưa ra là tại sao không chọn những nhà thầu Việt Nam như Tập đoàn FPT để sau này nếu có sự cố thì họ có khả năng nhanh chóng giải quyết mà không lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài.
Đặc biệt, VAFI đề xuất thanh tra tình trạng doanh thu lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống, tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính.
Theo VAFI, từ trước tới nay hầu như chưa có nội dung thanh tra toàn diện tại doanh nghiệp được tiến hành bởi Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Tài chính, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, về tham nhũng tại doanh nghiệp.
"Đây là một khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa chủ động đề xuất tiến hành một cuộc thanh tra nào như nội dung trên", đại diện VAFI cho biết.
Trong tình hình Covid-19 hiện nay, trước mắt có thể làm thí điểm một nhóm nhiều công ty nhưng thuộc một nhóm cổ đông chủ chốt sở hữu, tiến hành thanh tra đồng bộ, trong đó mấu chốt có công ty chứng khoán để làm rõ những vi phạm.
VAFI cho rằng, cần thanh tra loại cổ phiếu "rác" mà các nhà đầu tư xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mức mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy động được nhà đầu tư chiến lược để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40 - 50%.
"Tại sao họ mua cao rồi bán thấp, chẳng nhẽ họ chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng hay đó chỉ là thủ tục mua sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành từ đó có cơ sở bán giấy thu tiền thực", VAFI đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, VAFI cũng đề xuất thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền về.
Những dạng doanh nghiệp này thường đối phó để có báo cáo tài chính có vẻ hợp pháp bằng cách gần đến kỳ báo cáo họ tạo lập báo cáo giả để kiểm toán ghi nhận.
Cuối cùng, VAFI cho rằng, cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như trên để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết, chỉ có cách làm sâu sắc như trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng.
Thời gian qua, hệ thống giao dịch trên sàn HOSE thường xuyên xảy ra trong tình trạng nghẽn, chậm phản hồi lệnh đẩy nhiều nhà đầu tư vào những rủi ro. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, HOSE đã phải dừng phiên giao dịch do lo ngại quá tải hệ thống.
Đặc biệt là phiên ngày 8/6, sự ức chế, phẫn nộ… của các nhà đầu tư đã lên đến đỉnh điểm khi sàn HOSE bị đơ, giật, loạn bảng giá, khiến họ mua bán cổ phiếu như “người mù” và phải chịu thiệt hại nặng nề.
Trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với HOSE.