Văn hóa giao thông là không... vô ý thức
Cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành các quy định bảo đảm trật tự an toàn giao thông |
Bài 1: Muôn kiểu khôn vặt đáng phê phán
Những thói khôn vặt lợi mình, bất chấp an toàn hay ảnh hưởng đến người khác làm văn hóa ứng xử chốn công cộng xuống cấp của một bộ phận người Hà Nội đang khiến việc tham gia giao thông những ngày nắng nóng trở nên căng thẳng hơn. Điều này cần phải được chấn chỉnh kịp thời từ trong ý thức của mỗi người để giảm bớt áp lực giao thông, thượng tôn pháp luật được thiết lập trở lại.
Tùy tiện và chen lấn
Giao thông ùn tắc là hiện tượng đã quá đỗi thường xuyên nhưng vào ngày hè nắng nóng này, ai cũng muốn đi thật nhanh, không ai chịu nhường nhịn, không tuân thủ pháp luật lại càng khiến tình trạng này trở nên trầm trọng. Điều này khiến cho không khí, tâm trạng của những người tham gia giao thông cảm thấy thêm oi bức, bụi bặm và mệt mỏi. Các tuyến đường như Láng - Trường Chinh, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi ngày nắng đã đông, trời mưa lại càng ùn ứ lâu hơn.
Chị An Linh (23 tuổi, ở quận Cầu Giấy) cho biết: “Không chỉ giờ cao điểm mà hầu như khung giờ nào ở Cầu Giấy cũng tắc đường. Vừa nắng nóng vừa bụi nên tôi chỉ muốn đi thật nhanh đến công ty hoặc về nhà. Đôi khi tắc quá tôi cũng phải leo vỉa hè, rồi vượt vài giây đèn đỏ, chứ không người ta đi hết, chen hết, chẳng còn đường đâu mà đi.
Thường thì không ai chịu nhường ai, ô tô lấn hết làn của xe máy, xe máy cứ thấy chỗ trống là điền vào, bất kể lòng đường, làn khác hay vỉa hè. Thậm chí, nhiều khi vào giờ cao điểm, người đi bộ còn không có chỗ mà đi".
Mạnh ai người nấy đi, không theo hàng lối nào khiến tình trạng tắc đường của Hà Nội vào mùa hè càng thêm căng thẳng |
Khá nhiều người không chịu tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Khi còn tới 10 giây đèn đỏ, họ đã bấm còi inh ỏi đòi di chuyển hay 5, 6 giây nữa mới đến lượt đi đã vượt lên, bất chấp nguy hiểm khi hướng vuông góc vẫn còn phương tiện đang chạy.
Với một số người, dường như đèn xanh để đi nhanh, đèn đỏ là dừng quá vạch nếu đông, vượt khi vắng và đèn vàng phải đi thật nhanh để cố "thoát" cảnh phải dừng chờ thêm mấy chục giây.
Mặc dù các tuyến đường đều được kẻ vạch, chia làn cụ thể, có kèm theo bảng chỉ dẫn tuy nhiên vẫn có những người không quan tâm. Khi đang lưu thông, đường hơi đông một chút, người ta sẵn sàng lấn sang phần đường ngược lại.
Bên cạnh đó, một số người còn duy trì thói tùy tiện: Tùy tiện rẽ, tùy tiện đi theo sở thích mà không cần biết luật cho phép mình đi như thế nào, cảnh sát giao thông điều tiết ra sao. Chính vì thế vẫn có người "đi ngược lại xu thế" trên đường một chiều; Đang đi thẳng nhưng như “bừng tỉnh” một việc gì đó bất ngờ rẽ trái hoặc rẽ phải… khiến người đi sau không kịp phản ứng.
Nhiều người trẻ còn lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông (Ảnh minh họa) |
Đã có không ít vụ người điều khiển xe máy bị tông phía sau vì không bật xi nhan xin đường; Hoặc có người xi nhan xin đường rồi mải mê nghĩ điều gì đó mà quên không tắt nên cứ xin mãi. Điều khiển phương tiện giao thông mà mất tập trung cũng gây nguy hiểm cho những người đi đường khác.
Thậm chí còn có trường hợp các “ninja Lead” xi nhan trái rồi rẽ phải hay ngược lại, khiến những phương tiện di chuyển phía sau bất ngờ, không biết phải xử lý thế nào với tình huống khó đỡ này.
Có những người lại "truyền tai" nhau "kinh nghiệm" giờ cao điểm cảnh sát giao thông mải phân luồng nên sẽ không xử phạt trường hợp không đội mũ bảo hiểm hay kẹp 3 - 4. Vì thế, cứ vào lúc tan tầm, họ thoải mái chở nhau về mà không cần mũ hay "càng đông càng vui".
Hệ lụy khôn lường
Thực tế chứng minh, khi chỉ biết lợi mình, được việc cá nhân trong phút chốc, tưởng chừng sẽ xử lý tình huống nhanh, linh hoạt trong cuộc sống nhưng chính là chúng ta đang thể hiện tính... khôn vặt mà chưa lường được những hệ lụy sẽ gặp phải.
Người lớn hãy làm gương cho trẻ con bằng từng hành động nhỏ của mình |
Chị Lệ Minh (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, một anh "xe ôm" công nghệ tạt đầu xe làm chị loạng choạng suýt ngã. Khi tay lái của chị chưa ổn định trở lại thì ở phía trước, anh chàng kia cũng bị xe bus chèn sát vào lề đường, không thể nhoi lên nổi. Đó chỉ là một trong những trường hợp ta thấy "quả báo nhãn tiền", còn đa phần phóng vù đi và quên luôn những hành động mình vừa làm, coi như đó là "chuyện nhỏ".
Chuyện nhỏ ấy sẽ không nhỏ khi hàng ngày trong suốt cuộc đời mình, ai cũng có tâm lý cứ mình đi khôn mình thoát đã, kệ đám đông muốn ra sao thì ra. Kỉ cương, trật tự, thượng tôn pháp luật sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, những "tấm gương mờ" ấy cũng tạo nên những thế hệ sau có những hành động vô trách nhiệm tương tự.
Các em học sinh, sinh viên cũng là những nhân tố tham gia giao thông, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng giao thông của thành phố. Nếu người lớn không tuân thủ nghiêm luật lệ giao thông thì trẻ con cũng làm theo, nhất là khi họ vi phạm luật giao thông khi đang chở con, em mình.
Hiện tượng thanh thiếu niên phóng xe bạt mạng, đánh võng, bốc đầu, đi ngược chiều, kẹp 3, kẹp 4, dàn hàng ngang… diễn ra ở nhiều nơi, vừa gây cản trở giao thông vừa tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Các học sinh, sinh viên cũng bắt chước người lớn không tuân thủ luật giao thông |
Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép hoặc chạy quá tốc độ, nẹt ga, bấm còi ầm ĩ trên đường phố. Hành vi này khiến các em tự đặt mình vào nguy hiểm, nặng thì thương vong, nhẹ thì bị xử phạt, gia đình cũng lo lắng. Chính cha mẹ là người đã tiếp tay cho con của mình sử dụng các phương tiện giao thông không phù hợp độ tuổi.
Thói ích kỷ khi tham gia giao thông của người lớn còn biến tướng thành nhiều hành vi khác khi thanh thiếu niên bắt chước. Có thể thấy, hiện vẫn còn tình trạng dửng dưng, vô cảm không phải nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai trên xe buýt hay đưa người khuyết tật, cao tuổi qua đường, giúp đỡ người gặp nạn…
Trong khi lực lượng chức năng đang nỗ lực bằng mọi biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông hơn cho người dân thì chính mỗi chúng ta cũng phải tự coi đó là việc của chính mình, vì bản thân và những người xung quanh. Đừng quá khôn vặt mà "gậy ông đập lưng ông" rồi hối hận thì đã quá muộn.
(Còn nữa)