Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay
Văn học, nghệ thuật khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc |
Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay” Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức tại Hà Nội sáng 15/12. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành; Các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; Đại diện cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật; văn nghệ sĩ.
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động ý nghĩa mừng thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và những thách thức, khó khăn từ quá trình toàn cầu hóa, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ chế thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Trước bối cảnh ấy, văn học, nghệ thuật với thế mạnh đặc thù riêng có, với tư cách là một lĩnh vực “rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa” đã làm gì và đã hiện diện như thế nào?
Quang cảnh Hội thảo |
Những vấn đề nào trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với văn học, nghệ thuật? Làm thế nào để văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và Nhân dân? Làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh để nắm bắt và chuyển hóa sự ngổn ngang, bề bộn, nhiều mặt phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chân chính? Đó chính là cơ sở để tổ chức hội thảo chủ đề “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhận định, yêu cầu đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật, tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước những vấn đề lớn lao, quan trọng của đất nước, con người Việt Nam hôm nay đã và đang được đặt ra cấp thiết và rốt ráo hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật, để đi đến thống nhất nhận thức và hành động đúng đắn, hiệu quả.
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cùng nhau bàn thảo, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng, nhận định xu hướng vận động, phát triển và đề xuất những giải pháp để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật nước nhà, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu tại hội thảo. |
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cho biết, hội thảo tập trung làm rõ vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ở 5 vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước. Đó là văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Phòng, chống dịch Covid-19; Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; Quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hội thảo đã nhận được hơn 90 bản tham luận, trong đó có gần 20 ý kiến phát biểu trực tiếp. Các tham luận cho thấy thực trạng, sự gắn bó của văn học, nghệ thuật với những vấn đề lớn lao, cấp thiết, nóng bỏng của đời sống xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước và hướng phát huy thế mạnh của văn học, nghệ thuật đóng góp để giải quyết những vấn đề của đất nước hiện nay. Giáo sư Phong Lê cho rằng, phải xác định thế hệ trẻ là lực lượng chủ công dấn thân vào những vấn đề thời sự của đất nước để sáng tạo những tác phẩm chất lượng.
PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trình bày tham luận nhấn mạnh: Văn học nghệ thuật đã vững vàng vượt qua đại dịch COVID-19, góp phần cổ vũ, động viên cả nước kiên cường trong công tác phòng, chống dịch. Qua đó, thêm lần nữa khẳng định văn học nghệ thuật luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu. |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo cho rằng: Văn học nghệ thuật cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề biển, đảo Tổ quốc. Bên cạnh vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; Cần làm sáng rõ hơn vấn đề phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước từ biển.
Trước hiện tượng một số tác phẩm văn học nghệ thuật thời gian qua xuất hiện nhiều tác phẩm thiếu lành mạnh, thậm chí xấu độc, PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Phải có một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng những người quản lý, lãnh đạo văn hóa, văn học nghệ thuật thực sự có trình độ, nhạy bén mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời phải thể chế hóa, cơ chế hóa để thu hút nguồn lực xã hội hóa bởi ngân sách nhà nước không thể nào có đủ để phát triển văn học nghệ thuật lên tầm cao mới.
Kiến nghị thêm các giải pháp để văn học nghệ thuật - một bộ phận tinh túy nhất của văn hóa, trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng: Đội ngũ cán bộ đảng viên, các cán bộ, lãnh đạo phải là tấm gương văn hóa. Không nhất thiết phải quá am hiểu văn học nghệ thuật như những người có chuyên môn, song lãnh đạo phải luôn khuyến khích, động viên, đồng hành với đội ngũ văn nghệ sĩ mới thì sức lan tỏa đến xã hội sẽ lớn hơn, tốt đẹp hơn.
Được biết, kết quả hội thảo dự kiến sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để đánh giá vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ có báo cáo tư vấn cụ thể, giúp Đảng, Nhà nước đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.