Vẻ đẹp yên bình của ngôi chùa Địa Tạng Phi Lai
Bài liên quan
Chùa Địa Tạng Phi Lai tự còn có tên gọi khác là chùa Ninh Trung. Tên gọi Ninh Trung được lấy từ chính tên của ngôi làng mà chùa được xây. Cái tên chùa Ninh Trung cũng được người dân nơi đây sử dụng để gọi nhiều hơn là tên chính thức của chùa. Truyền thuyết hình thành chùa: chùa được hình thành từ khoảng đầu của thế kỉ XI. Nơi đây đã từng là nơi sinh sống của vua Trần Nghệ Tông và là điểm đến cầu tự của vua Tự Đức nhà Nguyễn. Tên gọi của chùa ngày nay là do vua Tự Đức đặt tên. Có rất nhiều du khách khi đến đây đều thắc mắc về tên gọi đặc biệt của chùa.
Ý nghĩa sâu xa của tên ngôi chùa được đặt theo tên của một vị bồ tát được thờ tại chùa – Đó chính là bồ tát Địa Tạng.
Ngoài truyền thuyết nói rằng chùa được hình thành từ khoảng thế kỉ XI thì cũng có rất nhiều người nói rằng chùa được hình thành dưới thời nhà Lý. Truyền thuyết này xuất phát từ lần cải tạo lại chùa. Trong khi san lấp đất để xây dựng, cải tạo lại chùa người ta tìm thấy rất nhiều những mảnh gốm, viên đá được khắc họa lên hình ảnh hoa văn, hình đầu người mình chim – Đặc trưng cho nét nghệ thuật của thời Lý.
Bên cạnh đó, nhiều người còn lập luận rằng, hầu hết những ngôi chùa được xây dưới thời nhà Lý đều có kiến trúc khu nhà chính điện cùng với một ngôi bảo tháp. Điều này hoàn toàn trùng khớp với kiến trúc của chùa sau khu điện chính cũng có một tòa bảo tháp mang tên là tòa Tháp trấn Liêm Sơn.
Chùa Địa Tạng Phi Lai được xây dựng phía bên trong một khu rừng thông xanh mướt, bên cạnh chùa là những mạch nước ngầm, con suối đang ngày đêm chảy róc rách. Tất cả đã tạo nên một bức tranh phong thủy hữu tình vừa có thanh và vừa có sắc.
Tổng thể kiến trúc của chùa bao gồm: Tòa nhà Tam Bảo sừng sững ngay khi bước vào sân chùa, khu điện thờ Đức Ông, khu thờ đức Thánh Hiền và nhà thờ tổ. Bên cạnh những nơi thờ phật, nhà chùa còn cho xây dựng thêm các khu nhà ở (khu dành riêng cho tăng ni – phật tử ở trong chùa), khu giảng đường (là nơi hàng ngày các tăng ni phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo và diễn ra các khóa tu tại đây), khu nhà khách (dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa).
Tuy nhiên, điều gây chú ý đối với du khách hay cái danh đặt cho chùa là chốn bồng lai tiên cảnh chính là khuôn viên của chùa. Khuôn viên của chùa được sư trụ trì Thích Minh Quang thiết kế và cho xây dựng rất đặc biệt, khác hẳn với nét kiến trúc của các ngôi chùa cổ tại Việt Nam.
Đặt những bước chân đầu tiên vào bên trong chùa, du khách sẽ thấy điều hoàn toàn khác lạ – Đó chính là hầu như phần sân dẫn vào chùa đều được trải bằng sỏi màu trắng chứ không lát gạch đỏ giống như những ngôi chùa khác. Theo như sự giải thích của vị sư trụ trì Thích Minh Quang, sử dụng những viên sỏi trắng mang ý nghĩa của sự an toàn, hình ảnh cứng rắn của những viên sỏi biểu tượng cho sự bền vững. Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh những viên sỏi trắng tinh sẽ khiến cho lòng trở nên thanh thoát không còn lo nghĩ đến những bộn bề của cuộc sống.
Bên cạnh nét độc đáo đến từ những viên sỏi, khuôn viên trong chùa được trồng rất nhiều các loại cây cối xanh mát cùng với đó là những cây cỏ dại như lau, sậy cũng được trồng trong chùa tạo cảm giác như đang lạc vào trong một khu rừng thần tiên. Bên cạnh vẻ đẹp của khuôn viên, du khách còn có thể cảm nhận được tiếng chim hót ríu rít cũng tiếng róc rách nước chảy vô cùng vui tai. Cứ mỗi buổi chiều tà, ngồi trong khuôn viên của chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh những chú chim đang tranh nhau về tổ vô cùng thú vị.
Đến với chùa Địa Tạng, ngoài được hành hương khấn phật ngắm cảnh thần tiên du khách còn được trải nghiệm leo núi khá thú vị. Leo theo triền núi từ phía bên phải của chùa Địa Tạng du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hang đá cùng với những thảm thực vật như rừng táo, sim rừng, ổi, cây leo vô cùng phong phú và rực rỡ sắc màu. Đứng từ trên núi cao, du khách có thể nhìn được toàn cảnh của ngôi chùa đang ẩn mình bên trong rừng thông. Nhìn ra xa xa sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh đồng lúa, mùa xuân xanh tươi còn mùa thu chín vàng cả một vùng, mùa đông có thêm chút sương mờ tựa như đang ở trên thiên đường giống như những câu chuyện cổ tích.
Bất kỳ ai một lần có duyên tìm đến, trở về dưới mái chùa Địa Tạng đều cảm thấy vô cùng bình yên.