Về Vân Canh tô tranh Kim Hoàng
Nét đặc trưng của tranh Kim Hoàng là các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, với những học sinh chỉ cần có chút năng khiếu hội họa, không cần phải rành rẽ kĩ thuật vẽ cũng có thể sáng tạo ra được những bức tranh của riêng mình. Điều đó khiến các em học sinh vô cùng thích thú, miệt mài tô tranh.
Học sinh say mê tập tô tranh Kim Hoàng - Ảnh: Lê Bích
Việc các em học sinh về Vân Canh tô tranh hết sức ý nghĩa. Không chỉ là hoạt động ngoại khóa thú vị, mà nó còn minh chứng cho việc dòng tranh đã thực sự hồi sinh, đang đi vào cuộc sống, được người trẻ hưởng ứng và lan truyền một sức sống mới, thổi hồn trẻ trung trong thời đại mới vào tranh.
Một bức tranh Kim Hoàng do học sinh tô màu
Đồng thời, nơi đây đang dần hình thành một điểm đến để góp phần nuôi dưỡng đam mê, bồi đắp tình yêu với nghệ thuật dân gian, nhất là khi các loại hình nghệ thuật dân gian cần có một chỗ đứng trong đời sống hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa- Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, đại diện nhóm những người khôi phục và phát triển tranh Kim Hoàng cho biết, hoạt động này hiện nay đang được một số giáo viên hưởng ứng, nên đã liên hệ với nhón khôi phục để đưa các em đến trải nghiệm với tranh dân gian Kim Hoàng.
Đến đây, các học sinh được hướng dẫn tô tranh lợn, tranh gà... - những bức tranh nổi tiếng của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Ngoài ra, còn được các họa sĩ có nhiều hiểu biết và tâm huyết giới thiệu về dòng tranh dân gian nổi tiếng này.
Đã từ lâu, tranh Kim Hoàng nổi tiếng được nhắc đến nhiều, bên cạnh tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ… Tuy vậy, nếu tranh Đông Hồ đã được các nghệ nhân đều đặn gìn giữ và mang đến cho công chúng gần xa, tranh Hàng Trống vẫn còn một gia đình giữ nghề thì dòng tranh Kim Hoàng đã hoàn toàn biến mất. Nói đúng hơn, chỉ còn được nhắc đến trong sách vở, và còn mấy bức tranh lưu giữ trong bảo tàng.
Làng Kim Hoàng (nay thuộc xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) là cái nôi của dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Theo các tài liệu lịch sử, dòng tranh Kim Hoàng được hình thành vào nửa sau thế kỉ 18.
Một số tài liệu ghi rằng, tranh Kim Hoàng bị thất truyền từ năm 1915. Khi đó một trận lụt rất lớn đã cuốn trôi mất khá nhiều ván in, cộng với mất mùa, đói kém khiến cho dòng tranh suy thoái và hoàn toàn biến mất vào năm 1945.
Cùng một bản in nét đen trắng, nhưng mỗi học sinh lại có cách phối màu sắc khác nhau
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa đã dành nhiều thời gian, tâm sức cùng các cộng sự như nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa, nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên, nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế, nhiếp ảnh gia Lê Bích… để đến khảo sát làng tranh Kim Hoàng ngày nay, cũng như tìm kiếm tài liệu về tranh Kim Hoàng trong các cuốn sách xuất bản ở nước ngoài để triển khai Dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng.
Sau một số triển lãm để công chúng dần quen với sự trở lại của dòng tranh này. Trong đó đặc biệt là việc chính quyền xã Vân Canh tạo điều kiện để Dự án Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng có một khu vực riêng tại Nhà truyền thống thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh để người dân nơi đây được học nghề của cha ông, sống được bằng nghề, sản xuất tranh bán phục vụ du lịch và là nơi để những người trẻ như các nhóm học sinh trên đến thực hành vẽ và tìm hiểu về dòng tranh nổi tiếng này.