Vì sao dân phản ánh vấn đề bồi thường dự án Vành đai 3?
Theo thông tin cung cấp tại buổi họp báo ngày 9/11 vừa qua, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND TP Thủ Đức cho biết, việc bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ bị chậm hơn so với các quận huyện và địa phương khác. Một trong những nguyên nhân do có tình trạng người dân không đồng ý giá trên cơ sở so sánh với các địa phương khác (cụ thể là tỉnh Bình Dương).
Ghi nhận thực tế cho thấy, người dân vẫn luôn ủng hộ chủ trương chung, vì nhận thức được tầm quan trọng của dự án. Tuy nhiên, nhiều hộ dân có đất bị thu hồi mong cơ quan chức năng xem xét lại việc đền bù, đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp để tạo được sự đồng thuận.
Theo đó, một số trường hợp có diện tích bị thu hồi nằm ở mặt tiền đường nhưng giá bồi thường lại quá thấp so mặt bằng chung, có nguy cơ thiệt hại cho người dân.
Ngoài ra, còn có trường hợp đặc biệt khác là bà Nguyễn Thị Kiều Lam (SN 1964). Theo hồ sơ thể hiện, bà Lam có khu đất nằm trong dự án đầu tư xây dựng Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (đường Hàng tre và Khu IV) tại phường Long Bình, Quận 9 - nay là TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Dự án này được triển khai từ năm 1998 theo Quyết định 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất cho Công ty Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP Hồ Chí Minh để thực hiện đầu tư xây dựng.
Theo đó, bà Lam được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng các quyết định khác nhau. Tuy nhiên, nhận thấy việc bồi thường vẫn chưa thỏa đáng nên bà đã khởi kiện UBND TP Thủ Đức ra TAND TP Hồ Chí Minh. Bản án sơ thẩm số 1340/2023/HC-ST ngày 7/8/2023 đã tuyên bà Lam thắng kiện. Hiện UBND TP Thủ Đức đã có đơn kháng cáo, đồng thời, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chi Minh cũng có kháng nghị cho bản án trên.
Cũng liên quan tới khu đất, thông qua tìm hiểu, bà Lam đang đặt nghi vấn rất lớn về việc khu đất của bà có khả năng cao không còn thuộc hoàn toàn dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc mà thuộc dự án đường Vành đai 3.
Cụ thể, tại Thông báo thu hồi đất số 888/TB-UBND để thực hiện dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh (thuộc địa bàn TP Thủ Đức) của UBND TP Thủ Đức ban hành vào ngày 16/3/2023 có liệt kê một phần thửa đất số 09, số 10, tờ bản đồ số 46 (theo bản đồ năm 2003). Tuy nhiên, theo hồ sơ thể hiện và thực tế phần đất nêu trên nằm trong phần đất mà bà Lam đang cư trú ở trục đường Nguyễn Xiển.
Trong văn bản trên cũng nêu rõ, thu hồi đất do Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc quản lý, sử dụng; cùng với lý do thu hồi đất để thực hiện dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn TP Thủ Đức.
Bà Nguyễn Thị Kiều Lam tại phần đất của mình |
Mặt khác, theo hồ sơ thể hiện, thông qua các quyết định điều chỉnh thì dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc đã bị thu hẹp khoảng hơn 130.000m2.
Ngoài ra, bà Lam còn đặt dấu hỏi lớn khi đối chiếu theo các quyết định thực hiện dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc chỉ có khu I, khu II, hoàn toàn không có khu III và khu IV. Tuy nhiên, căn cứ các quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho bà Lam để thực hiện dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc thì phần đất bị thu hồi lại thuộc khu IV?
Do đó, bà Lam nghi ngờ có dấu hiệu cho thấy phần đất bị thu hồi không còn thuộc dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc mà thuộc dự án đường Vành đai 3.
“Nếu như vậy, tại sao chính quyền địa phương lại không làm rõ và thông báo cho tôi về vấn đề trên?”, bà Lam đặt vấn đề.
Hiện tại, bà Lam rất lo lắng về việc nhà mình có thể bị cưỡng chế bất cứ lúc nào trong khi vấn đề làm rõ việc thu hồi đất thực hiện dự án nào và bồi thường chưa giải quyết. Bà Lam cũng nhiều lần liên hệ các cơ quan, đơn vị chức năng để xác minh nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời xác đáng.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 15/11 vừa qua, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có phiếu chuyển xem xét, xử lý theo thẩm quyền cho UBND TP Thủ Đức về nội dung xác minh của báo Tuổi trẻ Thủ đô đối với vụ việc bà Lam .
Đồng thời, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cũng hẹn sẽ tổng hợp hồ sơ để phản hồi cho báo Tuổi trẻ Thủ đô trong thời gian sớm nhất.