Việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết
Niềm tự hào giá trị di sản của Thủ đô "Giao lộ sáng tạo" kết nối những di sản biểu tượng của Hà Nội |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo luật và đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…
Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) |
Góp ý vào nội dung này, đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết, để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng được.
Quỹ sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đại biểu Thích Đức Thiện cho biết, theo thống kê, cả nước ta hiện có hơn 40.000 di tích, hơn 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích ở nước ta còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Nhiều di tích, di sản văn hóa đang bị xuống cấp, mai một do thiếu kinh phí duy trì.
Do đó, để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động hiệu quả, đại biểu Thích Đức Thiện cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp cho quỹ, nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của quỹ.
Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ; quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.