Niềm tự hào giá trị di sản của Thủ đô
Chân dung Hà Nội qua cuốn sách “Triệu dấu chân qua những cửa ô” "Triệu dấu chân qua những cửa ô" - chân dung Hà Nội qua bước đi về |
Chứng nhân lịch sử
Trưng bày "Hà Nội và những Cửa ô" do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ Hà Nội và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Trưng bày kéo dài đến hết ngày 30/10.
Tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc sáng 7/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: "Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất “rồng bay”, là Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình. Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại đoàn quân Tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô. Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.
Hình ảnh “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đã in đậm trong ký ức của bao người dân Thủ đô. Chặng đường lịch sử vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội là quá trình tiếp nối truyền thống cha ông, tạo nên những dấu ấn lịch sử của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình qua 70 năm xây dựng và phát triển.
Các vị đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày tư liệu “Hà Nội và những cửa ô” |
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội phối hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 tổ chức Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những cửa ô” tại Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Trưng bày giới thiệu hơn 170 tài liệu, hình ảnh quý giá về lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội, qua hình ảnh thân thuộc của các cửa ô, đã gắn bó với người dân Hà Nội từ bao đời nay. Thông qua các nguồn sử liệu, các tài liệu hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các văn bản được lưu trữ tại Trung tâm Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam và đặc biệt là Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1, Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội, trưng bày giới thiệu một cách khái quát về lịch sử các cửa ô Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa ô.
Cửa ô xưa là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi; cũng là nơi ca khúc khải hoàn, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Để từ đó Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa. Thủ đô Hà Nội hôm nay cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Thủ đô, tự hào truyền thống cách mạng để cùng chung tay góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Giờ đây, Thăng Long - Hà Nội, không chỉ là kinh đô nghìn năm tuổi, Thành phố vì hòa bình mà đang không ngừng phát triển, hướng tới trở thành một Thành phố sáng tạo trong tương lai không xa".
Hình ảnh thành Thăng Long qua bao thăng trầm
Trưng bày “Hà Nội và những Cửa ô” gồm 3 chủ đề: “Cửa ô xưa”, “Cửa ô chiến thắng” và “Cửa ô Hà Nội hôm nay”. Cửa ô xưa là hình ảnh của Thành Thăng Long qua bao thăng trầm, biến đổi.
Cửa ô chiến thắng ghi lại dấu mốc hào hùng của sự kiện giải phóng Thủ đô 70 năm trước. Cửa ô Hà Nội không chỉ là dấu tích lịch sử mà còn là nơi ca khúc khải hoàn, là biểu tượng của chiến thắng qua hình ảnh 5 cửa ô như 5 cánh sao vàng lấp lánh, tiếp nối truyền thống cách mạng của lớp lớp cha anh dũng cảm kiên cường.
Nội dung trưng bày rất ý nghĩa, sáng tạo khi kết nối câu chuyện lịch sử của Thủ đô thông qua hình ảnh của những cửa ô.
Hình ảnh trưng bày |
Trưng bày cũng giới thiệu nhiều tư liệu quý giá, hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội và nhiều đơn vị khác, tiêu biểu là các tài liệu như: Bản đồ Hà Nội 1873, bản đồ 1886, Tờ trát của Nha huyện Thọ Xương ngày 14 tháng 2 nhuận năm Thành Thái 2 (1890) về việc đồng ý lập ở mỗi cửa ô một trạm để canh gác, tuần phòng.
Đó là tư liệu trích biên bản phiên họp của Hội đồng thành phố Hà Nội về việc trùng tu cổng Ô Quan Chưởng ở phố Jean Dupuis (phố Hàng Chiếu), di tích cuối cùng của Hà Nội, ngày 13/10/1902; Quyết định số 01/QĐ của UBQC thành phố Hà Nội về việc thành lập bộ máy UB Quân chính thành phố Hà Nội trong thời kỳ tiếp quản, ngày 9/10/1954; Quyết định số 004/QĐ của UBQC thành phố Hà Nội về việc cử những cán bộ tạm thời phụ trách các ngành, các sở trong thời kỳ tiếp quản ngày 9/10/1954…
Tôn vinh công lao giữ gìn, phát huy di sản
PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ: "Trưng bày “Hà Nội và những Cửa ô” đưa chúng ta về với những ký ức của Thăng Long - Hà Nội qua hình ảnh của những Cửa ô thân thuộc.
Cửa ô Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc họa, như một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Thăng Long - Hà Nội. Hình ảnh Cửa ô khắc sâu trong tâm trí của bao thế hệ người Hà Nội, dù họ còn sinh sống trên mảnh đất thân yêu này hay đã tỏa đi khắp bốn phương trời.
Nhớ Hà Nội là nhớ về những ngõ nhỏ, phố nhỏ gắn với những cửa ô, dù bóng dáng của những cửa ô này chỉ còn hiện hữu qua hình ảnh của Ô Quan Chưởng (Ô Thanh Hà). Trong những ngày tháng mười này chúng ta không thể nào quên hình ảnh của những đoàn quân trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô, vang mãi câu ca “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: "Cửa ô - một kiến trúc rất nhỏ bé trong tổng thể các công trình kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhưng lại lưu giữ trong mình một câu chuyện thật dài của Hà Nội.
Đó là lịch sử, là chính trị, là văn hóa, là đời sống xã hội. Cửa ô gần gũi, thân thương trong kí ức bao người, nhắc ta về quá khứ vàng son của cha ông, để ta thêm trân trọng hiện tại và dựng xây tương lai".
Từ đó, trưng bày không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là dịp để tôn vinh công lao của các thế hệ đi trước trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội và những Cửa ô" khai mạc vào ngày 7/10 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 9 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, hứa hẹn là một sự kiện văn hóa đáng chú ý, mang đến cho người xem cơ hội để hiểu sâu hơn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội và những chặng đường phát triển của Thủ đô trong 70 năm qua.