Việt Nam có tổ hợp nhà máy điện gió và điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á
Ký kết hợp tác chiến lược các dự án điện gió tại Việt Nam và dự án Kosy Bạc Liêu Quy định mới về giá điện gió |
Đến thời điểm hiện tại, đây được xem nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam kết hợp với điện mặt trời 204 MW hình thành tổ hợp năng lượng tái tạo lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam gồm trang trại điện gió và điện mặt trời được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Tổng sản lượng khai thác hàng năm dự án đạt 950 triệu kWh – 1 tỷ kWh điện mỗi năm.
Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió của Trungnam Group trên diện tích 900 ha. Ảnh: Trungnam Group. |
Khác với phát triển dự án điện mặt trời, quá trình và quy trình phát triển các dự án điện gió phức tạp hơn do chi phí đầu tư lớn, tốn kém thời gian vận chuyển, lắp đặt thiết bi, chưa kể nguồn cung thiết bị cũng khó khăn hơn trong bối cảnh của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Trungnam Group đã vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành giai đoạn 3 của dự án. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã phối hợp với các đối tác có năng lực và chuyên môn hàng đầu thế giới như Enercon, Sany…
Tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió của Trungnam Group được đánh giá lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Ảnh: Trungnam Group. |
Trong đó, các tuabin của dự án được cung cấp bởi Công ty Enercon (Cộng hòa Liên bang Đức) có công nghệ không hộp số với ưu điểm có thể hoạt động với tốc độ gió thấp từ 2 -2,5m/s, khả năng đón gió có vận tốc trung bình 7,1 m/s, cao hơn so với giai đoạn 1 là 6,5 m/s. Đây là loại tuabin trên đất liền có công suất lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Với việc lựa chọn thiết bị này, các chỉ tiêu về diện tích chiếm đất giảm xuống chỉ còn 0,14 ha/MW (so với suất sử dụng đất quy định không quá 0,35 ha/MW) góp phần đáng kể trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trungnam Group. Ảnh: Trungnam Group. |
Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết, công ty hiện đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án năng lượng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2027 sẽ đưa thêm 10GW hòa lưới hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, doanh nghiệp này đang thực hiện kế hoạch mang 900 trụ gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi đến các dự án tại các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Trà Vinh, Ninh Thuận…
Theo ông Tiến, đến hết năm 2020, Trungnam Group đã đầu tư tại Ninh Thuận hơn 1,5 tỷ USD, mỗi năm mang lại doanh thu trên địa bàn hơn 5.400 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 500 kỹ sư và công nhân trên toàn tỉnh, công ty vẫn đang tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa trong 5-10 năm tới.
"Năm 2021, công ty tiếp tục với thách thức mới là phải hoàn thành bà nhà máy điện gió tại Đắk Lắk 400 MW, Phước Hữu Ninh Thuận 50 MW và Trà Vinh hơn 100 MW và hơn 600 MW phải được hoà lưới điện quốc gia trước 31/10/2021. Chúng tôi không biết trước cuộc đua này sẽ xãy ra khó khăn gì nhưng sẽ chắc chắn về đích", ông Tiến khẳng định.
Thời gian qua, Trungnam Group đã đưa vào vận hành 2 dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận và tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với tổng công suất trên 360MW, cùng với dự án điện gió tại huyện Thuận Bắc có tổng công suất trên 151,95 MW.
Trước đó, năm 2020, Trungnam Group trở thành nhà đầu tư tư nhân đầu tiên của Việt Nam xây dựng và đưa Trạm biến áp và đường dây 220/500 KV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW đi vào hoạt động thành công.