Vietnam Airlines tiếp tục bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt đông liên tục
Vietnam Airlines lún sâu trong thua lỗ, chưa thoát khỏi tình trạng tiêu cực Vietnam Airlines được chấp thuận khai thác thường lệ đường bay đến Mỹ |
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã CK: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020, được kiểm toán bởi Công ty Deloitte.
Trong báo cáo này, Deloitte Việt Nam lưu ý, tại thời điểm ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của công ty là 14.858 tỷ đồng.
Mặt khác, trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, Vietnam Airlines có kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ sau thuế với số tiền là 5.237 tỷ đồng.
Phía kiểm toán cho biết, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
Tàu bay Vietnam Airlines |
Những điều kiện trên, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines vẫn áp dụng tính và ghi nhận chi phí khấu hao và chi phí phân bổ tiền sửa chữa bảo dưỡng của các máy bay và động cơ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2022 theo hướng dẫn kế toán riêng mà các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt áp dụng cho các năm 2021 và 2020.
Tại ngày báo cáo này, Vietnam Airlines đã trình các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục được áp dụng hướng dẫn kế toán riêng cho các khoản mục này cho nắm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 và đang chờ phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền.
Theo Vietnam Airlines, để cải thiện nguồn vốn hoạt động, công ty đã hoàn tất việc phát hành 796,1 triệu cổ phiếu trong năm 2021 và thu về 7.961 tỷ đồng. Tổng công ty cũng đã ký hợp đồng tín dụng với 4 ngân hàng thương mại trong nước và đã được giải ngân toàn bộ với tổng hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng, thời hạn trả nợ có thể kéo dài đến năm 2024.
Ngoài ra, Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại ngày 30/6/2022, tổng hạn mức tín dụng mà Vietnam Airlines đã ký với các ngân hàng thương mại là khoảng 18.549 tỷ đồng, trong đó hạn mức tín dụng của các khoản vay ngắn hạn chưa sử dụng là khoảng 10.354 tỷ đồng...
Chiếu theo báo cáo tài chính, trong nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines chi trả tiền lương và thù lao của Ban Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tổng cộng 4,1 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ (2,3 tỷ đồng).
Trong đó, ông Lê Hồng Hà - Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc và ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận cao nhất với lần lượt hơn 466 triệu đồng và gần 414 triệu đồng.