Vinasoy đạt được bước tiến mới trong hành trình nghiên cứu và chọn tạo giống đậu nành
Hai giống đậu nành :VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS được cấp bằng bảo hộ
Đây là cột mốc tiếp theo của Vinasoy trong quá trình nghiên cứu và chọn tạo những giống đậu nành mới, có chất lượng phù hợp với từng dòng sản phẩm.
Cũng trong dịp này, lãnh đạo Cục Trồng trọt, Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia cũng thăm quan mô hình trồng khảo nghiệm sản xuất hai giống đậu nành này tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông nhằm đánh giá thực tế sinh trưởng phát triển, tiềm năng năng suất để có cơ sở tiến đến công nhận sản xuất thử giống đậu nành VINASOY 02-NS trong thời gian tới.
Bằng bảo hộ giống cây trồng được Cục Trồng trọt, Bộ NN&PT NN cấp cho các giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên giống phù hợp. Để đạt được các tiêu chí trên, cần có một quá trình nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm giống lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và tâm huyết của doanh nghiệp đối với giống cây trồng của mình.
Cả hai giống đậu nành của Vinasoy được bảo hộ đều được phát triển từ giống bản địa của huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Giống VINASOY 01-CT được chọn thuần từ giống Cư Jút địa phương với những đặc điểm: đồng nhất về màu hoa và kiểu hình, kích thước 100 hạt đồng đều hơn, tỷ lệ quả 3 hạt trung bình đạt 20-30%, năng suất 2-2,5 tấn/ha, cao hơn 5-10% so với giống địa phương. Trong khi đó, giống đậu nành VINASOY 02-NS là giống mới được chọn tạo từ giống Cư Jút địa phương lai tạo với giống ĐT26, VINASOY 02-NS có nhiều đặc tính nổi trội như chín đồng đều, kích thước hạt lớn, năng suất 2,5-3,5 tấn/ha, cao hơn từ 10-20% so với giống Cư Jut địa phương, có khả năng chống đổ ngã và kháng rỉ sắt.
Thực trạng nguồn nguyên liệu đậu nành tại Việt Nam: Theo thống kê của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, năm 2015 các doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu 93% nguyên liệu đậu nành hạt, chỉ 7% đến từ nguồn nội địa. Những năm gần đây do đầu ra không ổn định, giống thoái hóa và năng suất thấp nên diện tích trồng đậu nành ngày càng giảm. Bên cạnh đó, giá đậu nành nội địa không cạnh tranh được với giá đậu nành nhập khẩu.
Là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành sữa đậu nành với sản lượng 390 triệu lít sữa/năm phục vụ người dân Việt Nam, nhưng việc thiếu hụt nuồn cung đậu nành hạt nội địa chất lượng là mối quan tâm, trăn trở lớn của Vinasoy. Để có thể khôi phục cây đậu nành trong nước, tháng 11/2013, Vinasoy đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) với sự hợp tác chiến lược với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu về đậu nành trong và ngoài nước để thực hiện nghiên cứu chọn tạo các giống đậu nành mới, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác hiện đại và chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Việc hai giống đậu nành VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS được cấp Bằng bảo hộ và trồng khảo nghiệm ngày càng được mở rộng ra khắp các vùng trong cả nước có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn không chỉ đối với doanh nghiệp nói riêng, mà còn đối với nông dân và việc phát triển đậu nành ở Việt Nam nói chung.
Thành quả bước đầu này đã chứng tỏ Vinasoy có đủ khả năng chọn tạo ra giống đậu nành mới, có thể so sánh với các viện nghiên cứu, trường đại học khác tại Việt Nam. Ngoài việc sở hữu trí tuệ sản phẩm do mình tạo ra, Vinasoy đang và sẽ có một vị trí xứng đáng trong cộng đồng nghiên cứu về đậu nành ở Việt Nam. Trong thời gian tới, hai giống VINASOY 01-CT, VINASOY 02-NS và các dòng mới đang chọn tạo được kỳ vọng sẽ thích ứng và biểu hiện năng suất tốt ở những vùng trồng mới ở Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đại diện Vinasoy – ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành, chia sẻ: “Song hành cùng quá trình sản xuất kinh doanh, chúng tôi quan niệm doanh nghiệp phải có vai trò phát triển vùng nguyên liệu, đa dạng hóa dòng sản phẩm của mình, cũng như cam kết đem lại lợi nhuận cho người nông dân và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững. Hai giống VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS được cấp bằng bảo hộ là nỗ lực và sự công nhận cho bước tiến mới của chúng tôi trên hành trình đó. Vinasoy thực hiện cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đậu nành hạt với giá bảo hiểm nhằm giúp người nông dân an sản xuất và mở rộng diện tích trồng đậu nành.”
Bên cạnh 2 giống đậu nành VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS, Vinasoy cũng đang chọn tạo được một số dòng đậu nành mới có năng suất cao 3,5-4 tấn/ha phù hợp với từng vùng sản xuất và có nhiều đăc điểm ưu việt về chất lượng, phù hợp với từng dòng sản phẩm của Vinasoy. Vinasoy hiện đang sở hữu ngân hàng gen với hơn 1.533 nguồn gen quý của đậu nành trong và ngoài nước. Đây là nguồn vật liệu phong phú cho quá trình lai tạo giống đậu nành của Vinasoy trong tương lai, nhằm tạo ra nhiều giống đậu nành mới phục vụ cho nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm của công ty, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc phát triển giống đậu nành trong nước.
“Nỗ lực của Vinasoy đang góp phần không nhỏ vào việc khôi phục trở lại vùng trồng đậu nành tại Việt Nam. Cách làm của Vinasoy đang đi đúng hướng, mang tính bền vững lâu dài và rất phù hợp với chủ trương sản xuất nông nghiệp theo chuỗi của Chính phủ. Với những gì Vinasoy đang thực hiện, chắc chắn người dân sẽ quay trở lại canh tác cây đậu nành. Cục Trồng trọt cũng như Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Quốc gia sẽ hỗ trợ tối đa Vinasoy trong việc phát triển mở rộng các vùng trồng đậu nành khắp tại Việt Nam” – ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PT NT phát biểu.
Về Công ty sữa đậu nành Việt Nam – Vinasoy
Sau hành trình hơn 20 năm, Vinasoy hiện đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành tại Việt Nam với 83,7% thị phần toàn quốc (theo thống kê nghiên cứu thị trường của Nielsen Việt Nam - tháng 12/2018). Vinasoy luôn cam kết mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu đậu nành tự nhiên, góp phần quan trọng xây dựng và quảng bá hình ảnh hạt đậu nành Việt Nam.