Vĩnh Phúc: Đất nông nghiệp bị “phù phép” thành trạm bê tông?
Vĩnh Phúc: Tặng “xe đạp đến trường” cho 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn Vĩnh Phúc: Bắt đối tượng truy nã sau 6 tháng bỏ trốn Vĩnh Phúc: Cưỡng chế, tháo dỡ 13 homestay xây dựng trái phép tại Tam Đảo |
Người dân “kêu trời’
Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được phản ánh ông N. N. T ở thôn Vĩnh Phượng, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc về việc 2 trạm trộn bê tông trên đồi Hiệp Thuận thường xuyên gây tiếng ồn, bụi bặm và ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Theo đó, tại khu vực đồi Hiệp Thuận, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên “mọc” lên 2 trạm trộn bê tông trái phép trên đất Nông trường Tam Đảo. Đó là trạm bê tông của Công ty TNHH Tuổi Trẻ Bình Nguyên và Công ty Bê tông Phúc Thành. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh, kiểm tra đình chỉ hoạt động đến giờ chưa xử lý.
Trạm trộn bê tông không phép này ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân |
Tìm hiểu thực tế thì được biết, khu vực mà hai trạm trộn bê tông này hoạt động có diện rất lớn, đã được san phẳng và xây dựng nhà xưởng kiên cố. Trước đây, toàn bộ diện tích đất này được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Nông trường Tam Đảo nhưng không hiểu vì sao lại mọc lên nhiều xưởng sản xuất gạch, khu tập kết, mua bán vật liệu xây dựng và đặc biệt là 2 trạm trộng bê tông rất lớn nêu trên.
Theo phản ánh ông N.N.T, người dân nơi đây than thở: “Những trạm trộn bê tông này hoạt động ngày đêm. Dù trời mưa hay trời nắng, những chiếc xe trọng tải lớn chở cát, sỏi và bê tông thành phẩm chạy rầm rập gây ra tiếng ồn và bụi bặm rất nhiều, đường xuống cấp thành ổ voi.
Người dân chúng tôi thật sự không hiểu sao ngay giữa khu dân cư, các trạm trộm bê tông này hoạt động công khai, trái pháp luật mà chính quyền không hề kiên quyết xử lý”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây một số ngọn đồi được san phẳng để xây dựng 2 trạm trộn bê tông do Công ty TNHH Tuổi Trẻ Bình Nguyên và Công ty Cổ phần Bê tông Phúc Thành làm chủ đầu tư. Ngoài việc xây dựng các lán trại kiên cố thì vật liệu cát, sỏi được tập kết cao như những ngọn núi.
Ở khu vực này, hàng chục xe tải hạng nặng có trọng tải hàng chục tấn luôn chờ sẵn để vận chuyển bê tông thành phẩm sang các công trường xung quanh đó.
Địa phương “kêu khó”
Đem những thắc mắc nói trên đến UBND xã Thiện Kế mong tìm được câu trả lời thỏa đáng, tuy nhiên sau 2 tuần liên hệ lãnh đạo địa phương lại “kêu khó” và đùn đẩy trách nhiệm với lý do không đủ thẩm quyền.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế, cho biết: “Cấp xã dưới 500 triệu mới làm được, 2 trạm trộn này tồn tại trong Nông trường Tam Đảo gần 10 năm nay. Đất nông trường Tam Đảo không phải đất của xã Thiện Kế.
Tỉnh giao về huyện, huyện giao xã và địa phương đã xử phạt 30 triệu, yêu cầu tháo dỡ nhưng phía doanh nghiêp không hợp tác và không chịu di dời. Do giá trị công trình vi phạm hơn 500 triệu đồng nên địa phương không đủ thẩm quyền để cưỡng chế”.
Khi PV hỏi về việc UBND xã Thiện Kế đã gửi báo cáo về khó nêu trên tới UBND huyện Bình Xuyên chưa. Ông Tuấn thành thật: “Chúng tôi chỉ báo cáo trên hội nghị và bằng miệng chứ chưa có văn bản”.
Công văn số 567/TNMT-UBND ngày 15/5/2018 của UBND huyện Bình Xuyên gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xử lý |
Tại Ngày 20/11/2019, UBND huyện Bình Xuyên đã có Công văn số 1791/UBND-TNMT yêu cầu Công ty TNHH Tuổi Trẻ Bình Nguyên và Công ty Bê tông Phúc Thành dừng hoạt động sản xuất và tháo dỡ công trình trên đát nông nghiệp; UBND xã Thiện Kế phải đôn đốc, kiểm tra giám sát việc di dời, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất tại Khu vực Hiệp Thuận của 2 công ty TNHH Tuổi Trẻ Bình Nguyên và Công ty Cổ phần Bê tông Phúc Thành.
Trước đó, ngày 13/12/2019, UBND xã Thiện Kế đã ra thông báo số 48/TB-UBND về việc di dời, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất tại khu vực đồi Hiệp Thuận tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên. Đến nay 2 Công ty TNHH Tuổi Trẻ Bình Nguyên và Công ty Cổ phần bê tông Phúc Thành không thực hiện di dời, tháo dỡ theo nội dung công văn của UBND huyện Bình Xuyên.
Thực trạng là vậy, người dân địa phương cũng đã phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm, xây dựng trái phép của 2 công ty nhưng chẳng hiểu vì lý do gì việc xử lý di dời chỉ dừng tại văn bản xử phạt. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cần vào cuộc kiểm tra xử lý. Người dân nơi đây đang mong mỏi một câu trả lời thỏa đáng.