Vỡ quy hoạch tại khu 5,2ha phường Yên Hoà: Chính quyền địa phương đang bị "tê liệt"?
Biệt thự "biến hình" sau những ngày đình chỉ thi công |
Ngang nhiên xây biệt thự sai phép phá vỡ quy hoạch chung của Thủ đô |
Sau 2 kỳ báo của Tuổi trẻ Thủ đô về những vi phạm trật tự xây dựng tại Khu biệt thự 5,2ha phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội phá vỡ quy hoạch chung của thành phố theo phản ánh của bạn đọc, hành vi vi phạm pháp luật tại công trình xây dựng số 9, nhà B vẫn không hề có dấu hiệu chậm lại.
Khu biệt thự 5,2ha được thực hiện theo Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 3/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cải thiện nhà ở.
Sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, nhiều căn biệt thự được Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách đã bị chủ sở hữu phá đi xây lại như những lâu đài nguy nga, tráng lệ hơn.
Quan sát từ trên cao, có thể thấy hiện trạng của khu biệt thự này đã không còn đồng bộ, quy hoạch ban đầu đã bị phá vỡ.
Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy ngay sự thiếu đồng bộ tại dự án này |
Trở lại với những vi phạm đang hiện hữu, thách thức pháp luật, mặc dù UBND phường Yên Hòa đã có những động thái xử lý vi phạm tại công trình số 9, nhà B, khu biệt thư 5,2ha bằng cách ban hành các văn bản nhưng trên thực tế vi phạm lại không bị xử lý mà công trình lại đi vào hoạt động bí mật.
Việc xử lý vi phạm chỉ được thực hiện trên giấy tờ, thực tế sai phạm vẫn càng ngày càng lớn |
Tại buổi làm việc với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết, UBND phường đã yêu cầu dừng thi công và công trình hiện đang đóng cửa chờ xin phép bổ sung.
Thực tế, "công trình đang đóng cửa" lại có những biển đổi nhanh bất thường. Chỉ khoảng 2 tháng kể từ khi bắt đầu đình chỉ thi công, từ một công trình mới chỉ thi công xong phần mái tầng 1, vượt 75m2 so với hồ sơ được cấp phép đã biến thành biệt thự hoành tráng xây dựng gần như đã xong phần thô với quy mô 3 tầng, 1 mái chỉ chờ hoàn thiện.
Hạng mục công trình được PV ghi nhân vào đầu tháng 4/2021 |
Điều đáng nói, khi phát hiện ra công trình vẫn ngang nhiên bất chấp pháp luật trong thời gian đình chỉ thi công, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã gửi hình ảnh cho lãnh đạo UBND phường Yên Hòa và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy nhưng việc thi công công trình không có dấu hiệu dừng lại.
Trong quá trình bị đình chỉ thi công, công trình lại có những thay đổi nhanh chóng (hiện trạng ngày 29/4/2021) |
Ngày 30/4/2021, khi phát hiện chủ đầu tư, đơn vị thi công căn biệt thự này đang bất chấp pháp luật, PV đã gửi hình ảnh công nhân đang thi công trên mái cùng sự thay đổi về diện mạo của công trình cho Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cùng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy để 2 đơn vị này có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ngày 6/5/2021, quay trở lại công trình vi phạm, PV lại 1 lần nữa ngỡ ngàng khi diện mạo công trình đã tiếp tục thay đổi. Toàn bộ phần mái của căn biệt thự đã được đổ bê tông, công trình đã gần như xong phần thô, chờ hoàn thiện.
Hiện trạng công trình theo ghi nhận của PV ngày 6/5/2021 |
Trước đó, ngày 14/4/2021, UBND quận Cầu Giấy đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội về sự việc trên. Theo đó, công trình số 9, nhà B được cấp phép xây dựng với mật độ 25,3% nhưng đã tổ chức thi công sai nội dung giấy phép, cụ thể khoảng 45%. Hiện UBND phường Yên Hòa đã áp dụng biện pháp dừng thi công xây dựng.
Đồng thời, UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, phường Yên Hòa xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với 2 công trình nêu trên; Yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật cá nhân phụ trách để xảy ra vi phạm.
Điều gì đã khiến Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa chống lệnh của cấp trên để sai phạm tồn tại bất chấp tính nghiêm minh của pháp luật?
Trước cách thức xử lý vi phạm khó hiểu của hai cơ quan quản lý trên, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn rằng, thế lực nào, lý do gì đã khiến cho cơ quan quản lý nhà nước phải "tê liệt" trước sai phạm?
Trong trường hợp cơ quan chức năng không đồng ý với việc xin giấy phép bổ sung mà công trình đã hoàn thiện, khi đó Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa sẽ xử lý sai phạm này ra sao?
Tháng 5/2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản gửi 8 Sở của thành phố cùng Công an TP, Thanh tra TP, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Quản lý đô thị, trách nhiệm của UBND và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.
Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. “Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”, văn bản UBND thành phố nhấn mạnh.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.
Hàng loạt cán bộ tại Hà Nội bị kỷ luật vì để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng Năm 2019, tại phiên giải trình về trật tự xây dựng do Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội tổ chức, UBND thành phố cho biết, để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng, có 98 cán bộ, công chức bị xem xét kỷ luật. Trong đó, có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc. Trong số 98 trường hợp bị áp dụng hình thức kỷ luật, có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo (2 Phó Chánh Thanh tra, 7 Trưởng phòng, đội trưởng; 11 phó phòng, đội phó). Năm 2020, UBND TP Hà Nội giao Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND phường Dịch Vọng, Đội Quản lý trật tự xây dựng quận do để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. |