Với hàng loạt vi phạm, Licogi 13 bị phạt và truy thu thuế hơn 2 tỷ đồng
Hàng loạt vi phạm, Licogi 13 bị xử phạt 315 triệu đồng |
Theo đó, qua thanh tra giai đoạn năm 2019-2020, cơ quan thuế phát hiện Licogi 13 đã kê khai sau thuế suất thuế giá trị gia tăng, kê khai sai thuế giá trị gia tăng mua vào được khấu trừ.
Đồng thời, công ty còn hạch toán chi phí không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; Hạch toán chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp vượt mức quy định.
Về thuế thu nhập cá nhân, Licogi 13 chưa kê khai tính thuế từ đầu tư vốn đối với khoản chi trả lãi vay cho cá nhân.
Với các hành vi trên, Licogi 13 bị phạt tiền 298 triệu đồng. Đồng thời, công ty phải bị truy thu thuế giá trị gia tăng còn thiếu 1 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 295 triệu đồng, thuế thu nhập cá nhân 157 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế 303 triệu đồng.
Như vậy, tổng cộng Licogi 13 bị phạt và truy thu trên 2 tỷ đồng.
Tòa nhà Licogi 13 |
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2021, Licogi 13 ghi nhận doanh thu thuần 1.813 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên do giá vốn tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 130 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 168,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, 9 tháng năm nay, Licogi 13 ghi nhận 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm ngày 30/9/2021, Licogi 13 ghi nhận tổng tài sản ở mức 5.203 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm tới 2.036 tỷ đồng, hàng tồn kho 1.077 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, nợ phải trả của Licogi 13 ở mức 4.362 tỷ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 841 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 5,2 lần vốn chủ sở hữu.
Việc nợ phải trả cao gấp hơn 5 vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của công ty hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.
Nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.
Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.
Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.