Vụ đấu giá cây cao su ở Kon Tum vi phạm Luật Đấu giá, nguy cơ gây thất thoát tài sản Nhà nước
Hoạt động khai thác cây cao su thanh lý ở nông trường Ia Chim (Kon Tum) vẫn diễn ra ồ ạt dù vụ việc vi phạm đấu giá chưa ngã ngũ |
Hàng loạt dấu hiệu bất thường?
Cuối năm 2020, Công ty Cao su Kon Tum có nhu cầu thanh lý lô tài sản gồm 59.085 cây cao su lấy gỗ để tái canh nằm trên diện tích 137,59ha tại các nông trường Hòa Bình, Ia Chim, Ngọc Wang, Tân Cảnh.
Ngày 17/2, Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô đã tổ chức bán đấu giá lô hàng nói trên cho Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai với giá trúng thầu gần 19 tỷ đồng, hơn giá khởi điểm ban đầu 190 triệu đồng.
Tuy nhiên, kết quả này bị hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy sản xuất gỗ trên địa bàn Kon Tum phản ứng gay gắt, tố cáo công tác tổ chức đấu giá trên vi phạm Luật đấu giá như: không công khai niêm yết thông tin đấu giá, Công ty Đấu giá Đông Đô bố trí “trụ sở ma” không làm việc thực tế tại địa chỉ ở Hà Nội; định giá tài sản cây cao su thanh lý (trung bình trên 300.000 đồng/cây theo giá khởi điểm chỉ bằng gần nửa so với giá trị thực trên thị trường); các doanh nghiệp không thể tiếp cận thông tin, mua hồ sơ tham gia đấu giá...
Mới đây nhất, ngày 29/3/2021, Sở Tư pháp Hà Nội (nơi Công ty đấu giá Đông Đô đăng ký hoạt động) có Công văn số 794/STP-BTTP về kết quả xác minh vụ việc nêu trên, trong đó khẳng định, Công ty Đấu giá Đông Đô không đăng thông báo công khai việc đấu giá 137ha cây cao su (gần 60.000 cây cao su thanh lý) của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum trực thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, là vi phạm quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản...
Hoạt động khai thác vẫn được triển khai |
Sai phạm đã rõ nhưng vẫn chưa hủy kết quả đấu giá?
Ngày 8/4/2021 Cục Bộ trợ tư pháp (Bộ Tư Pháp) bất ngờ ra văn bản số 284/BTTP-ĐGTS do Phó cục trưởng Nguyễn Thị Mai ký đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum căn cứ quy định tại Điều 47 Luật đấu giá tài sản xem xét, đánh giá quy trình tổ chức tài sản nêu trên; trường hợp có căn cứ khẳng định vi phạm của Công ty đấu giá hợp danh Đông Đô, thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Động thái này khá bất ngờ và có nhiều điểm bất nhất. Bởi, ngay tại Văn bản 284 này, Cục Bổ trợ Tư pháp đã dẫn kết quả xác minh của Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định, công ty đấu giá Đông Đô vi phạm quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản... Nhưng giờ lại đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum xem xét, “trường hợp có căn cứ khẳng định hành vi vi phạm của Công ty đấu giá Đông Đô thì xử lý”.
Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai trúng thầu với giá gần 19 tỷ đồng |
Như vậy, kết quả xác minh của Sở Tư pháp Hà Nội là không có giá trị, trong khi đây là cơ quan chuyên ngành quản lý nhà nước về tư pháp. Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là công ty 100% vốn nhà nước và đang cho đấu giá lô 60.000 cây cao su thanh lý. Việc “chuyền bóng” thẩm quyền xử lý về công ty cao su, chẳng khác nào để đơn vị vừa đá bóng vừa thổi còi.
Như vậy, dù cơ quan chức năng đã có kết luận về việc có hành vi vi phạm Luật Đấu giá tài sản trong vụ việc trên, nhưng điều dư luận qua tâm là tại sao không hủy kết quả đấu giá để tránh thất thoát tài sản nhà nước?.
Nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước?
Luật sư Đỗ Pháp- Trưởng VP Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng, với kết quả xác minh của Sở Tư pháp Hà Nội về vụ việc, cần khẳng định việc tổ chức đấu giá trên đã vi phạm một trong các quy định cần thiết trong đấu giá tài sản, cơ quan chức năng cần hủy ngay kết quả đấu giá và tổ chức đấu giá lại để đảm bảo quy định pháp luật.
Cũng theo Luật sư Đỗ Pháp, đây là bước quan trọng để ngăn chặn hệ lụy từ đấu giá vi phạm quy định. Trên cơ sở đó, cần căn cứ trên các mối quan hệ, hợp đồng các bên để phân rõ trách nhiệm và có các hình thức xử lý nghiêm sai phạm trong đấu giá đã được quy định cụ thể tại Luật Đấu giá hiện hành.
“Cục Bổ trợ tư pháp không hướng dẫn hoặc yêu cầu cơ quan chức năng hủy kết quả đấu giá là chưa phù hợp trong trường hợp này”, Luật sư Đỗ Pháp nói.
Văn bản chỉ đạo xử lý của Cục Bổ trợ tư pháp vừa dẫn kết quả xác minh vi phạm đấu giá của Sở Tư pháp Hà Nội nhưng lại đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum xem xét, đánh giá căn cứ khẳng định vi phạm? |
Điều khó hiểu là, Cục Bổ trợ tư pháp lại chuyển trách nhiệm làm rõ vụ việc đấu giá lô cao su thanh lý trên cho Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, trong khi trước đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Đức Hân, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum khẳng định "hiện trên các vườn cao su thanh lý, chúng tôi đã cho dừng việc khai thác cây cao su và chờ xử lý vụ việc".
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tuần qua, tại nông trường Ia Chim (TP.Kon Tum, Kon Tum) - 1 trong 4 nông trường vừa được đấu giá gần 60.000 cây cao su thanh lý của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum vẫn ghi nhận hoạt động khai thác diễn ra ồ ạt. Mỗi ngày, hàng chục công nhân cưa, cắt khúc, khuân vác cây cao su thanh lý bị đốn hạ lên trên các thành thùng ô tô tải diễn ra nhộn nhịp.
Không ít chiếc xe tải trọng lớn, chở quá tải cây cao su thanh lý từ nông trường lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, sau đó bẻ lái vào Nhà máy cưa xẻ chế biến gỗ của Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai tại KCN Trà Đa (TP.Pleiku, Gia Lai).
Không ít người lo ngại, việc khai thác ồ ạt này dễ dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, khi Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum 100% vốn nhà nước.
So sánh trung bình mỗi cây cao su đấu giá chỉ được hơn 300.000 đồng, trong khi đó, thị trường đang giao dịch mua bán cây cao su thanh lý cùng loại tại Kon Tum lên đến 700-800.000 đồng/cây. Thậm chí, ngay cả tiền củi (khoảng 50 triệu đồng/ha), tiền gốc cây (khoảng 30.000 đồng/gốc), nếu bán riêng với 60.000 gốc, trên diện tích 130 ha này thu được 8 tỷ đồng.
Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.