Vụ sai phạm tại trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc: Lộ diện hàng loạt “vấn đề” về đào tạo và thu chi
Kiên Giang: Nhiều sai phạm tại trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc |
Trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc bộc lộ hàng loạt yếu kém và thiếu sót trong quá trình hoạt động |
Thu chi không “minh bạch”
Vừa qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô có bài viết liên quan tới sự yếu kém, thiếu sót trong quản lý của trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc (gọi tắt là trường) đã nhận được nhiều sự quan tâm từ học sinh và các bậc phụ huynh,... Ngoài ra, Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Kiên Giang còn chỉ ra hàng loạt “vấn đề” về đào tạo và thu chi tại trường này.
Cụ thể, về khoản tạm thu tiền của học sinh đầu năm, Thanh tra kết luận, đầu năm học, trường có tổ chức tạm thu mỗi học sinh số tiền 1.000.000 đồng để mua bảo hiểm y tế, đồng phục, logo, bảng tên... Tổng số tiền tạm thu của học sinh từ năm 2018 đến thời điểm thanh tra là 559.900.000 đồng. Trường chi từ nguồn này để mua BHYT, đồng phục, logo, bảng tên cho học sinh với số tiền 434.148.740 đồng.
Việc thu hộ, chi hộ chưa được trường công khai kịp thời đến phụ huynh và học sinh. Do đó, sau khi trừ đi chi phí thì số tiền học sinh được trả lại hoặc phải nộp thêm là bao nhiêu đến nay chưa được biết. Sở LĐ-TB&XH yêu cầu trường có trách nhiệm đối chiếu và chi trả số tiền dư của học sinh.
Phản ánh với phóng viên, nhiều học sinh xác nhận tới nay vẫn chưa được trường hoàn trả lại số tiền dư nói trên.
Về thu đảm bảo tài sản đối với các học sinh ở ký túc xá, KLTT cho rằng: Từ năm 2019 đến nay, trường tổ chức tạm thu đối với học sinh ở ký túc xá với mức 500.000 đồng/học sinh nhằm đảm bảo khắc phục hậu quả nếu làm hư hỏng tài sản. Khi học sinh không còn ở ký túc xá, trường sẽ hoàn trả số tiền còn lại cho học sinh. Tuy nhiên, nội dung này trường không trao đổi, thống nhất với Hội Phụ huynh học sinh.
KLTT khẳng định trường có tạm thu đầu năm của học sinh, còn nhiều bậc phu huynh thì bức xúc về vấn đề này |
Về nguồn thu tiền điện, nước, phí vệ sinh của học sinh và giáo viên: Từ năm 2018 đến nay, trường có tổ chức thu tiền điện, nước, phí vệ sinh của học sinh ở lại ký túc xá và các giáo viên ở tập thể tại trường. Tổng số tiền thu được là 267.711.874 đồng (trong đó thu tiền điện, nước là 166.064.974 đồng và phí vệ sinh là 101.646.900 đồng). Số tiền thu được Trường không nộp tiền điện mà cho cá nhân mượn, tạm ứng không đúng quy định với số tiền 168.391.500 đồng.
Bất cập trong đào tạo
Cụ thể, về thực hiện các quy định của pháp luật trong giáo dục nghề nghiệp, theo KLTT: Tổng số công chức, viên chức quản lý là 3 người; Tổng số giáo viên dạy nghề là 18 người; Trong đó: Giáo viên cơ hữu 9 người, giáo viên thỉnh giảng 9 người; Giáo viên dạy các môn học chung, môn văn hóa có 8 người (cơ hữu 5 người, giáo viên thỉnh giảng 3 người); Giáo viên dạy nghề 10 người (cơ hữu 4, thỉnh giảng 6).
Căn cứ Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, Thanh tra ghi nhận: Trường không có giáo viên cơ hữu, không đáp ứng đối với các nghề: Tiếng Anh du lịch, Nghiệp vụ bếp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Cắt uốn tóc và trang điểm thẩm mỹ; Thiếu giáo viên các nghề: Quản trị khách sạn, Quản trị khách sạn vừa và nhỏ, Nghiệp vụ lễ tân, Nghiệp vụ buồng - bàn.
Đồng thời, trường chưa xây dựng giáo trình đào tạo theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP cho tất cả các nghề mà trường đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Giáo viên của trường sử dụng các tài liệu từ các giáo trình trong và ngoài tỉnh; Từ các sách giáo trình đã được các nhà xuất bản phát hành...
Từ đó, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo trường phải khắc phục những hạn chế nêu trên, không để xảy ra tình trạng giáo viên giảng dạy chưa đúng với chuyên môn…
KLTT cũng chỉ rõ, trường đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường: Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu mở 12 lớp trung cấp với 395 học sinh; Trung cấp Đại Việt Cần Thơ mở 2 lớp trung cấp với 72 học sinh; Cao đẳng Cơ điện Nam Bộ mở một lớp kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính với 30 học sinh; Cao đẳng Quốc tế KENT mở 2 lớp cao đẳng quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống với 32 sinh viên. Tuy nhiên, một số lớp liên kết đào tạo có tỷ lệ bỏ học cao.
Về việc thu từ các hợp đồng liên kết đào tạo, theo KLTT: Từ năm 2018 đến nay, trường có ký hợp đồng liên kết đào tạo với các trường ngoài tỉnh. Theo hợp đồng, trường nhận tổng số tiền là 1.443.850.000 đồng. Các chứng từ thanh toán chưa đầy đủ thủ tục (không phiếu chi, đề nghị, danh sách cấp phát…), không đúng quy định, chi vượt giờ giảng cho giáo viên… với tổng số tiền 568.039.051 đồng.
Cũng theo KLTT, từ năm 2018 đến nay, trường có tổ chức thu tiền học lại của học sinh chưa đủ điều kiện thi hết môn hoặc thi không đạt yêu cầu. Số tiền thu được đến nay là 35.245.000 đồng. Số tiền này do Phòng Đào tạo trực tiếp thu giữ. Việc nhà trường tổ chức thu phí học lại của học sinh là trái với quy định tại khoản 5, Điều 3, Thông tư 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Mặt khác, tại văn bản của trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu ngày 16/6/2020 xác nhận, trong hợp đồng liên kết với trường không quy định khoản phí thi lại, học lại.
Đối với những nguồn thu trên, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc phải mở sổ sách, hạch toán kế toán đối với các nguồn thu, khắc phục những nội dung sai sót, thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính tại trường.
Xe ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Suzuki Ertiga, biển kiểm soát 68A-090.73 bị tai nạn giao thông (ngày 13/1/2019) hư hỏng nặng và hiện không còn sử dụng được |
Hiệu trưởng lấy xe đi "công tác" ngày Chủ nhật bị tai nạn? Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cũng ghi nhận, trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc không thực hiện việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản công theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ, trong đó có xe ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Suzuki Ertiga, biển kiểm soát 68A-090.73. Trong quá trình sử dụng, xe ô tô này đã bị tai nạn giao thông (ngày 13/1/2019), hư hỏng nặng và hiện không còn sử dụng được. Tuy nhiên, KLTT chưa nói rõ ai là người sử dụng xe công này gây tai nạn, trách nhiệm ra sao? Xe đã được khôi phục và xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản trên theo đúng chỉ đạo của KLTT hay chưa? Trong khi đó, theo thông tin phóng viên được biết, ông Hồ Tấn Hùng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt - Hàn Phú Quốc là người tự lái xe và sau đó xảy ra vụ tai nạn trên. Đáng chú ý, ngày xảy ra tại nạn lại là Chủ nhật… |