Vượt qua thách thức khẳng định vị thế “đầu tàu”
Chặng đường 70 năm tiên phong đổi mới, khẳng định vị thế dẫn đầu Hội tụ công nghiệp văn hóa, xứng đáng vị thế Thủ đô tiên phong |
Cơ hội nhiều, thách thức lớn
Trong dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển càng đặt ra yêu cầu cao với giáo dục và đào tạo. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách”.
Theo đó, ngành Giáo dục của Thủ đô Hà Nội cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các chuyên gia về giáo dục đánh giá, ngành Giáo dục Thủ đô có rất nhiều cơ hội. Đó là hội nhập giúp các trường học tại Hà Nội có cơ hội tiếp cận với công nghệ giáo dục tiên tiến, từ đó nâng cao chất lượng dạy - học. Các chương trình hợp tác giữa các trường và tổ chức giáo dục quốc tế mở ra nhiều cơ hội trao đổi học sinh, giáo viên và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành, có những điều luật rất cụ thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giúp Hà Nội có thể thu hút được nhân tài; từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới.
Học sinh Thủ đô rạng rỡ trong ngày khai giảng năm học mới 2024 - 2025 |
Ông Đào Ngọc Sỹ, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo - Hà Đông, thành phố Hà Nội cho rằng: “Cơ hội đối với ngành Giáo dục Thủ đô rất nhiều, trước hết là dân số đông. Học sinh ở Thủ đô được gia đình chú trọng đầu tư. Các bạn trẻ Hà thành được tiếp cận đa dạng văn hóa vùng miền, có điều kiện hơn so với học sinh ở các tỉnh khác. Đó cũng là thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục Thủ đô, bởi khi dân số gia tăng, số lượng học sinh đông, đặt ra áp lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị và không gian dạy - học”.
Chị Nguyễn Thị Huyền, phụ huynh học sinh THPT trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, bày tỏ, nỗi lo lớn nhất của phụ huynh mỗi mùa tuyển sinh là sợ thiếu chỗ học cho con mình hoặc chỗ học không như mong muốn.
“Tôi có tìm hiểu và nhận thấy cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những áp lực tuyển sinh ở các trường học trên địa bàn Thủ đô như tốc độ gia tăng dân số nhanh, quy hoạch mạng lưới trường học chưa đồng đều, do tâm lý chọn trường của một bộ phận cha, mẹ học sinh.
Tuy nhiên còn có nguyên nhân nữa là sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực dẫn đến chênh lệch về chất lượng giáo dục, đặc biệt là giữa các trường ở nội thành và ngoại thành. Tôi mong rằng, Hà Nội có thể xây thêm nhiều trường học mới; cải tạo nâng tầng các trường ở nội đô, để phụ huynh không còn phải lo lắng chỗ học cho con mỗi mùa tuyển sinh”.
Chủ động đón đầu hội nhập quốc tế
Được biết, năm 2023, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh toàn thành phố Hà Nội tăng 11 bậc so với năm 2022 - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo không xếp hạng các địa phương về kết quả tốt nghiệp. Tuy nhiên, sự bứt phá từ vị trí thứ 27 lên vị trí thứ 16 của ngành Giáo dục Hà Nội không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế của đơn vị “đầu tàu” về giáo dục, mà còn là kết quả của sự nỗ lực khắc phục khó khăn của toàn ngành, nhất là ở những trường có đầu vào thấp.
Năm học 2023 - 2024, Hà Nội có 234 học sinh tham gia dự thi, với 184 học sinh đoạt giải (chiếm tỷ lệ trên 78,6%, nhiều hơn năm trước 43 giải). Thủ đô tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Đáng chú ý, trong đội tuyển học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, bên cạnh những thành viên của các trường chuyên, có sự góp mặt của một số học sinh đến từ các trường trung học phổ thông còn rất khó khăn. Đặc biệt, hiện nay, học sinh Thủ đô có thể tham gia tranh tài ở các thứ tiếng của môn ngoại ngữ như: Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật. Điều này thể hiện tinh thần chủ động đón đầu của học sinh và các nhà trường trong bối cảnh hướng đến hội nhập quốc tế.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo mở ra nhiều cơ hội mới |
Là đơn vị có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.3 triệu học sinh, hơn 2.800 trường học, số lượng học sinh mỗi năm đều tăng từ 40.000 - 60.000 em, Hà Nội phải giải bài toán không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học, vừa phải nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và kỳ vọng của người dân.
Một trong những giải pháp mới được ngành Giáo dục Thủ đô đã đề ra trong năm 2024 là tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở các trường. Nhằm giảm khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn, Hà Nội đang tích cực triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ như cấp kinh phí cho cán bộ, giáo viên đi học sau đại học; đưa giáo viên đi bồi dưỡng, nâng cao phương pháp giảng dạy ở nước ngoài...
Khéo léo để hòa nhập và giữ gìn bản sắc dân tộc
Ông Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, để ngành Giáo dục Thủ đô vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội phát triển trong thời kỳ hội nhập, cần tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và mở rộng không gian học tập nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của học sinh, sinh viên. Thành phố cần tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy; đồng thời, thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành; thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển ở các khu vực ngoại thành, vùng xa để giảm chênh lệch về chất lượng giáo dục.
Học sinh Hà Nội được đánh giá cao ở phong thái tự tin, khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát trên đấu trường quốc tế |
Ngành Giáo dục Thủ đô cần mở rộng chương trình hợp tác với các trường đại học và tổ chức giáo dục quốc tế, để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý giáo dục, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.
Các nhà trường liên tục cập nhật, đổi mới chương trình giáo dục theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tư duy sáng tạo cho học sinh; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong hỗ trợ, phát triển giáo dục.
“Đặc biệt, ứng dụng công nghệ trong giáo dục đào tạo mang lại nhiều lợi ích, mở ra nhiều cơ hội mới cho cả giáo viên, học sinh. Chẳng hạn như trường Đại học Mở Hà Nội, trong hơn 30 năm xây dựng, phát triển đã khẳng định được thế mạnh và là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu đào tạo theo mô hình giáo dục mở và từ xa. Vì một xã hội học tập và học tập suốt đời, trường đã và đang kiên định thực hiện sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, ông Đỗ Ngọc Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Ngọc Anh nhận định, Hà Nội có nền văn hóa giáo dục đặc thù mà hội nhập quốc tế có thể làm thay đổi một phần văn hóa này. Do đó, các cơ sở giáo dục cần khéo léo để giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng thời hòa nhập với các xu hướng quốc tế.