Chặng đường 70 năm tiên phong đổi mới, khẳng định vị thế dẫn đầu
Nỗ lực vượt khó…
Cách đây tròn 70 năm, vào tháng 10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Nịp trống rung 36 phố phường, cờ hoa tung bay rực rỡ trong ngày vui hào hùng. Với thầy và trò Thủ đô, mùa Thu năm ấy niềm vui như nhân đôi bởi ngay sau thời khắc được giải phóng là sự ra đời của ngành Giáo dục Hà Nội. Sự kiện đã mở ra một trang sử mới, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô ngày một lớn mạnh và phát triển.
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc đến Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Mạnh |
Khi mới thành lập, ngành GD&ĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn. Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ.
Vượt qua những khó khăn, với nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, sự quyết tâm của Nhân dân thành phố, công tác bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ ở Hà Nội trong những năm đầu sau giải phóng đã đạt được những kết quả to lớn.
Giáo dục Thủ đô tự hào là hình mẫu cả nước TTTĐ - Với quy mô lớn, giáo dục Thủ đô được kỳ vọng là nơi có chất lượng tốt nhất, mẫu mực cho cả nước, ... |
Công đoàn Giáo dục Thủ đô tích cực chăm lo đời sống nữ giáo viên TTTĐ - Ngày 7/3, tại Trường THCS - THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Công đoàn ngành Giáo dục và Sở Giáo dục ... |
Lá cờ đầu của ngành Giáo dục Thủ đô TTTĐ - Ba Đình là trung tâm hành chính, chính trị, giáo dục, y tế… có vị trí quan trọng của đất nước cũng như ... |
Năm học 1957-1958, thành phố Hà Nội mở lớp bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ cho hơn 1.000 giáo viên các trường công và tư. Số lượng học sinh các cấp đều tăng. Với hệ thống trường công lập, cấp 1 có 664 lớp với 35.420 học sinh, tăng hơn năm học 1956-1957 là 299 học sinh; cấp 2 có 146 lớp với 8.640 học sinh, tăng 1.102 học sinh so với năm học 1956 - 1957; cấp 3 có 66 lớp với 3.794 học sinh, tăng 780 học sinh với năm học 1956-1957. Đối với hệ thống trường tư, tính chung các cấp có 354 lớp với 18.574 học sinh, tăng không nhiều so với năm học 1956-1957.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương |
Đến hết năm 1958, ngành giáo dục Hà Nội có những chuyển biến rõ nét. Giáo dục phổ thông được tăng cường chất lượng giảng dạy và học tập. Ngày 22/1/1959, Uỷ ban thanh toán nạn mù chữ Trung ương chính thức tuyên bố căn bản hoàn thành việc xóa nạn mù chữ trên toàn miền Bắc, 93,4% nhân dân vùng xuôi từ 12 đến 50 tuổi biết đọc, biết viết, biết tính toán, Thủ đô Hà Nội đạt tỷ lệ cao nhất là 97,5% (từ 8 đến 50 tuổi).
Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong tiếng gầm rú của máy bay, bom đạn, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở miền Nam ruột thịt.
Sau khi thống nhất đất nước (30/4/1975) và trong 30 năm đổi mới (1986-2016), ngành giáo dục Thủ đô đã có những bước chuyển biến căn bản toàn diện. Từ những lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa... dưới sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, kết hợp với truyền thống hiếu học, trọng học từ ngàn đời, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người nhằm thúc đẩy sự phát triển Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chúc mừng học sinh giành huy chương Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn năm 2024 |
70 năm chiều dài lịch sử, song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy sau hợp nhất gặp vô vàn khó khăn song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao một cách thực chất.
Trong năm học 2008-2009, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong giảng dạy mà đỉnh cao là tổ chức thành công ngày hội công nghệ thông tin của toàn ngành vào ngày 20 và 21/3, 100% đơn vị giáo dục được kết nối mạng Internet, 40% số trường THCS và 70% THPT công lập sử dụng phần mềm quản lý học sinh, xây dựng hiệu quả kho học liệu điện tử dùng chung với 6000 học liệu tiêu biểu, bồi dưỡng về CNTT cho 9.000 người và 50% cán bộ quản lí giáo viên trong toàn ngành.
Học sinh Hà Nội trước thềm năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Thanh Tùng |
Cùng với sự phát triển của Thành phố, quy mô ngành học được mở rộng với nhiều cơ sở đào tạo ở vùng sâu vùng xa, tuy nhiên chất lượng giáo dục đại trà vẫn được giữ ổn định và đồng đều, chất lượng mũi nhọn được nâng cao. Minh chứng là năm học đầu sau hợp nhất, Hà Nội đã có 1.281 học sinh giỏi thành phố, 107/139 học sinh giỏi quốc gia, là đơn vị đứng đầu trên toàn quốc về số lượng học sinh đạt giải nhất (7 học sinh) và vinh dự có 2 học sinh giỏi quốc tế ở môn Vật lý và Sinh học.
Niềm tự hào của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô, khi nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể tự hào về một nền giáo dục Thăng Long - Hà Nội, mà ở đó, ngành giáo dục Thủ đô đã góp phần rất lớn vào việc vun đắp và phát triển cho nền giáo dục chung của cả nước. Thầy và trò Hà Nội đã cùng nhau phát huy những nét đẹp trong truyền thống xây dựng trí tuệ và nhân cách người Hà Nội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố văn minh và giàu đẹp, xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Trường Tiểu học Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội đón học sinh lớp 1 năm học 2024 - 2025 |
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh: Cho đến nay, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường mầm non, phổ thông so với cùng kỳ năm trước), với gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên.
Ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm đã đề ra.
Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt gần 80%. Thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên trên địa bàn thành phố. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11).
Cô và trò trường Tiểu học Kiến Hưng |
Toàn thành phố có 194/269 trường có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100% - tăng 54% so với năm 2023. Điểm trung bình nhiều môn của thí sinh Hà Nội đều tăng so với điểm trung bình của cả nước như các môn: Toán, Văn, Lý, Sử, Ngoại ngữ...
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia - cao hơn năm 2023: 43 học sinh đoạt giải. Học sinh Thủ đô đoạt 2 giải Nhất, 1 giải Ba tại Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc gia; 35 học sinh đoạt giải quốc gia trong Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm học 2023 - 2024. Đặc biệt học sinh Hà Nội đoạt 2 huy chương vàng Olympic môn Sinh học, Hóa học năm 2024.
Trong năm học 2023 - 2024, các trường THPT đã tổ chức kết nạp đảng cho 200 học sinh - bằng hơn 2 lần so với năm học 2022 - 2023 (92 học sinh).
Với những kết quả toàn diện đã đạt được, sự nghiệp giáo dục Thủ đô được thành phố ghi nhận, bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2023: “Đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế”.
Sở GD&ĐT Hà Nội được UBND TP tặng Cờ Thi đua xuất sắc; được Cụm thi đua các thành phố thuộc Trung ương đề xuất Bộ GD&ĐT tặng Cờ Thi đua xuất sắc; được thành phố Hà Nội trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khẳng định vị thế dẫn đầu, xây dựng Hà Nội là trung tâm tiêu biểu cả nước về giáo dục chất lượng cao, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Cùng với các giải pháp quan trọng khác đang triển khai như phát triển mạng lưới trường học; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư cho các trường học ở địa bàn khó khăn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia..., Hà Nội đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.