Xây dựng "cơ đồ" từ "nền móng" Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Mốc son lịch sử Tinh thần Cách mạng tháng Tám luôn sáng ngời trong tim người Hà Nội |
Mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đúng ngày này (19/8) 79 năm trước, Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng giành chính quyền sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật.
Từ các cửa ô, quần chúng Nhân dân giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tiến về Nhà hát Lớn và trung tâm thành phố tham gia khởi nghĩa tạo khí thế cách mạng mạnh mẽ.
Trưa cùng ngày, cuộc mít tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang, tuần hành thị uy của gần 20 vạn người. Quần chúng cách mạng có các đơn vị tự vệ chiến đấu dẫn đầu đã tỏa đi chiếm các cơ quan, công sở trọng yếu của địch theo đúng kế hoạch. Tại Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn, quân dân Hà Nội đã tước vũ khí lính bảo an, phân phát cho tự vệ và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này…
Tối 19/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng; trong đó có thành lập Ủy ban Nhân dân lâm thời (ra mắt sáng 20/8/1945 và đã ban bố một số chính sách, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ). Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội đã thắng lợi.
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
Hà Nội khởi nghĩa thành công như một tiếng bom mở đầu, lan nhanh, vang dội đi khắp nơi; có tác động quyết định, cổ vũ và tạo điều kiện để nhân dân các địa phương trên cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền sau đó…
Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội - nơi có hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng, đông nhất so với các thành phố, thị xã ở Bắc Kỳ mà không phải đổ máu đã cho thấy sự cân nhắc kỹ của Xứ ủy Bắc Kỳ và sự chủ động, linh hoạt nhưng chu đáo, cẩn trọng của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội trong từng quyết sách.
Khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội thành công đã mở đường cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra đồng loạt ở các tỉnh thành phố trong cả nước ngay sau đó.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập, đưa Đảng ta từ hoạt động bí mật ra hoạt động công khai, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đánh đuổi đế quốc xâm lược giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa -Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám
Gần 80 năm qua, phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, xây dựng và phát triển trở thành một trong 17 Thủ đô lớn trên thế giới về quy mô, là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế ” của đất nước.
Thành phố đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với khoảng trên 100 Thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; quan hệ thương mại với 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đức, Anh, Hàn Quốc, Australia, Singapore…, trở thành địa phương đứng thứ ba trên toàn quốc về thu hút đầu tư vốn nước ngoài. Cùng với việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn của đất nước, hoạt động đối ngoại của thành phố đã góp phần nâng cao vị thế Thủ đô và đất nước.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám ngày nay |
Bên cạnh đó, Hà Nội đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, trục chính đô thị và tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô…góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô... Cùng với đó là việc xây dựng và đưa vào sử dụng các khu đô thị mới, đồng bộ, hiện đại là biểu tượng sức sống mới của một Thủ đô phát triển và hội nhập quốc tế.
Từ đầu năm 2024 đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được đảm bảo, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD…
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, thành phố đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp…); ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng là: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Nhìn lại thành quả xây dựng và phát triển Thủ đô từ mốc son Cách mạng Tháng Tám chói lọi càng khẳng định quyết tâm trên con đường đổi mới, phát triển. Đây cũng là dịp để cấp, ngành và mỗi người dân Thủ đô phát huy truyền thống văn hiến, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, có những đóng góp thiết thực nhằm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.