Xây dựng giao thông an toàn để nhà nhà hạnh phúc
Đẩy mạnh giáo dục, phòng ngừa
Để an toàn giao thông, nhà nhà hạnh phúc, bạn Nguyễn Thành Long - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mong muốn, các lực lượng chức năng duy trì thường xuyên, liên tục việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông.
Đối với trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý, giáo dục. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến phố khu vực quanh trường học để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; xử lý nghiêm những phụ huynh đưa đón con vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học.
Vô tư vi phạm giao thông, nhiều phụ huynh cũng bị xử phạt |
Trước thực trạng nhiều phụ huynh thiếu sự quan tâm, giáo dục con em, giao mô tô, xe gắn máy phân khối lớn cho người chưa đủ tuổi điều khiển dẫn tới tai nạn giao thông, bạn Thành Long đề nghị cơ quan chức năng cần điều tra, xem xét xử lý trách nhiệm của người giao xe máy cho người chưa đủ tuổi điều khiển.
Để phòng ngừa, ngăn chặn thanh, thiếu niên mới lớn tụ tập phóng xe, lạng lách, mang hung khí diễu võ, dương oai, gây rối trật tự công cộng, bạn Thành Long đề nghị: Tổ chức Đoàn thanh niên đẩy mạnh truyền thông để các bạn trẻ hiểu rõ đó là hành vi vi phạm pháp luật. Việc học đòi theo những hành vi vi phạm pháp luật đó sẽ dẫn tới con đường tù tội. Các cơ quan quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin kết quả điều tra; đưa các vụ án “quái xế” tụ tập gây rối, hỗn chiến ra xét xử lưu động nhằm cảnh báo, răn đe, giáo dục chung. Các tổ chức Đoàn, hội ở cơ sở cần chung tay vào cuộc với gia đình, nhà trường, khu dân cư ngăn chặn các em thiếu niên mới lớn học đòi thói xấu.
Nữ sinh Hồ Huyền Nga mong muốn tăng cường tuyên truyền giáo dục ATGT trong trường học |
Cùng chung quan điểm, bạn Hồ Huyền Nga (sinh viên K41 Truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đề nghị tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh và các vị phụ huynh. Bảo đảm mỗi trường học mỗi học kỳ có ít nhất một buổi tuyên truyền, phổ biến về trật tự, an toàn giao thông.
“Thời gian qua đã xảy ra các vụ tai nạn đau lòng trong quá trình đưa đón học sinh. Vì vậy em đề nghị tăng cường phổ biến các kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác. Kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh”, bạn Huyền Nga bày tỏ.
Nữ sinh Học viện Báo chí cũng đồng tình và mong muốn cơ quan chức năng sẽ sớm triển khai thực hiện đề xuất đưa luật an toàn giao thông vào làm môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông. Học sinh sau khi tốt nghiệp, đạt yêu cầu sẽ không cần thi lý thuyết về luật an toàn giao thông đường bộ khi thi bằng lái xe.
Mỗi phường lập đội giao thông xanh
Là thủ lĩnh thanh niên tại một phường trong phố cổ, chị Nguyễn Mỹ Hạnh, Bí thư Đoàn phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Thời gian qua, Đoàn thanh niên phường Hàng Trống đã phối hợp với Công an phường, các tổ chức chính trị xã hội tuyên tuyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Các tổ xung kích thanh niên tình nguyện tổ chức chốt trực tại khu vực cổng trường học trên địa bàn hướng dẫn phụ huynh, học sinh chấp hành nghiêm các quy định an toàn giao thông.
Chị Nguyễn Mỹ Hạnh, Bí thư Đoàn phường Hàng Trống |
Bí thư Đoàn phường Hàng Trống mong muốn phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, đội trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông. Tuyên tuyền, thực hiện tốt Cuộc vận động "Học sinh với văn hóa giao thông", "Trường học an toàn, thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông"; xây dựng và nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", "Đội thanh niên tình nguyện", "Đội cờ đỏ", "Xếp hàng đón con" tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông cho học sinh.
Tuyên truyền thực hiện quy tắc văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...).
CSGT xử lý nhiều học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm |
Tăng cường đầu tư, đưa đón giáo viên, học sinh bằng các phương tiện của nhà trường, khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm phương tiện cá nhân góp phần giảm tình trạng ùn tắc tại các khu vực xung quanh trường học.
Tổ chức lực lượng tăng cường tại các điểm thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm trong ngày, sáng từ 7h-8h, chiều từ 16h-17h tại các khu vực cổng trường học. Tổ chức cắm chốt bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo phương án của Công an TP Hà Nội tại khu vực cổng Bệnh viện Việt Đức, ngã 3 Nhà Thờ, Nhà Chung.
“Xây dựng phong trào thanh niên tham gia các hoạt động tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông tại tổ dân phố, trường học; phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong các đợt bảo vệ các sự kiện đặc biệt, các ngày lễ lớn của Thủ đô, đất nước, góp phầm quảng bá thương hiệu Hà Nội điểm đến của du khách trong nước và quốc tế”, Bí thư Đoàn phường Hàng Trống nhấn mạnh.
Chị Lê Thị Tiểu Hậu - Bí thư Đoàn phường Cổ Nhuế 2 hỗ trợ thí sinh trong mùa thi |
Cùng trao đổi về công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, chị Lê Thị Tiểu Hậu - Bí thư Đoàn phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Đoàn thanh niên phường Cổ Nhuế 2 hiện đang tham gia 3 mô hình giao thông tại 3 cấp thành phố - quận - phường gồm có: Đội hình giao thông xanh cấp thành phố với 15 đồng chí; đội hình giao thông Bắc Từ Liêm an toàn tự quản của quận với 10 đồng chí và đội hình giao thông trường học tại phường với 10 đồng chí. Các thành viên nòng cốt là đoàn viên thanh niên trên địa bàn phường
“Là đại biểu chính thức dự Đại hội Hội LHTN TP Hà Nội, tôi sẽ kiến nghị với lãnh đạo thành phố trong việc đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và TP Hà Nội như: Tổ chức ký cam kết cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; nâng cao kiến thức kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho các em học sinh, phụ huynh và cán bộ giáo viên. Rà soát bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn các yêu cầu kỹ thuật trong tổ chức giao thông; cắm biển hạn chế tốc độ ở các điểm đấu nối khu vực trường học.
Mỗi phường nên có ít nhất 1 đội hình giao thông xanh trong trường học để có thể kịp thời giải quyết các tình huống ùn tắc giao thông giờ cao điểm đưa đón học sinh; nơi để xe cho phụ huynh khi đến trường đón con. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền các cấp để nắm rõ tình hình, địa bàn, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông”, Bí thư đoàn phường Cổ Nhuế 2 Lê Thị Tiểu Hậu kiến nghị.
Áo xanh tình nguyện phường Cổ Nhuế 2 phối hợp phân luồng giao thông giờ cao điểm |
Tạm giữ hơn 1.600 phương tiện sau 10 ngày triển khai cao điểmPhòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội vừa cho biết, sau 10 ngày triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh (từ ngày 1 đến ngày 10/10), các lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 90 buổi tuyên truyền các quy định về đảm bảo TTATGT cho 89,713 học sinh và 3.850 giáo viên các cấp. Lực lượng CSGT toàn thành phố cũng đã kiểm tra, xử lý 3.099 trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT liên quan đến học sinh. Lập biên bản, tạm giữ 1.657 phương tiện các loại (xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện...). Qua phân tích hành vi, CSGT xác định 2.806 học sinh và phụ huynh vi phạm lỗi về mũ bảo hiểm, 541 tài xế là học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, có 151 trường hợp chủ xe hoặc người liên quan có hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển. Đồng thời, CSGT đang tiếp tục xác minh và xử lý khi những người vi phạm lỗi này đến giải quyết tại trụ sở theo quy định. Cùng với việc tuần tra xử lý vi phạm, CSGT Hà Nội phối hợp với công an các cấp đã tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật TTATGT đối với 35.792 học sinh cấp THCS và THPT. Ngoài ra, ký 1.482 cam kết với phụ huynh về việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Lực lượng công an cũng phối hợp tổ chức 15 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại khu vực các cổng trường, duy trì mô hình cổng trường an toàn giao thông trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức trao tặng hàng nghìn mũ bảo hiểm và nhiều tặng phẩm cho các em học sinh. |