Xây dựng hành trang văn hóa cho thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình
Thăng hoa niềm tin, khát vọng Long Biên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Sứ mệnh thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Lan tỏa sự nhiệt huyết, bản lĩnh và trí tuệ trong kỷ nguyên mới |
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”. Như vậy, mỗi thế hệ đều có một sứ mệnh của riêng mình. Nếu cha ông đã viết nên những trang sử vàng bằng xương máu, mồ hôi và lòng yêu nước để giành lại độc lập thì thế hệ thanh niên hôm nay đang đứng trước một sứ mệnh không kém phần quan trọng: Xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Đó là hành trình “vươn mình” không chỉ về kinh tế, khoa học, công nghệ - mà còn về bản lĩnh, tầm nhìn và chiều sâu văn hóa.
Chưa bao giờ thanh niên Việt Nam lại có nhiều cơ hội rộng mở như hiện nay. Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, toàn cầu hóa… đã xóa nhòa khoảng cách, mở ra những chân trời mới nhưng đi càng xa, hội nhập càng sâu, lại càng cần một hành trang đủ vững để không lạc lối - đó chính là văn hóa. Văn hóa không chỉ là vốn quý của dân tộc, mà còn là điểm tựa tinh thần, là căn cước bản sắc để người trẻ khẳng định mình giữa thế giới rộng lớn. Một người trẻ có thể giỏi giang, thành đạt, hiện đại nhưng nếu thiếu đi văn hóa, sẽ rất dễ trở thành cánh buồm không lái giữa biển lớn toàn cầu.
Hành trang văn hóa không phải là những gì cao xa hay trừu tượng. Đó là cách người trẻ hiểu và trân trọng nguồn cội, ứng xử với người khác, đối diện với chính mình; là những giá trị sống, nhân cách, niềm tin và khát vọng phụng sự cộng đồng. Hành trang ấy không chỉ giúp thanh niên sống tử tế, mà còn là thứ sẽ đưa họ vươn tới những đỉnh cao, một cách bền vững và có chiều sâu.
Xây dựng hành trang văn hóa cho thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình không chỉ là chuyện của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường, xã hội và cả một dân tộc. Bởi một thế hệ trẻ có văn hóa là nền tảng vững chắc cho một tương lai quốc gia phồn vinh và nhân bản.
![]() |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội |
Cơ hội và thách thức đối với thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang mở ra một giai đoạn phát triển chưa từng có trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Từ một đất nước từng đứng trước muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, Việt Nam hôm nay đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư toàn cầu và là quốc gia năng động trong nhiều tổ chức quốc tế. Trong bức tranh tươi sáng ấy, thanh niên chính là những gam màu chủ đạo, vừa rực rỡ, vừa mang theo kỳ vọng lớn lao.
Thế hệ trẻ hôm nay đang sống trong một thế giới mở, nơi mà chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, họ có thể tiếp cận tri thức nhân loại, giao lưu văn hóa toàn cầu, học tập ở bất kỳ đâu, sáng tạo và khởi nghiệp chỉ với vài cú click chuột. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, dữ liệu lớn... không chỉ thay đổi cách làm việc mà còn tái định nghĩa cả cách con người sống và kết nối. Với thế mạnh về sự năng động, khả năng thích ứng nhanh và tinh thần cầu tiến, thanh niên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành người kiến tạo tương lai, chứ không chỉ là người tiếp nhận.
Không ít bạn trẻ Việt Nam đã và đang khẳng định dấu ấn vượt trội trong các lĩnh vực như công nghệ, khoa học, thể thao, nghệ thuật. Từ những kỹ sư phần mềm trẻ làm việc cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đến các startup triệu đô mang thương hiệu Việt Nam vươn ra quốc tế hay những nghệ sĩ trẻ sử dụng âm nhạc, điện ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước ra toàn cầu - tất cả đang chứng minh rằng: Tuổi trẻ Việt Nam hoàn toàn đủ sức sải cánh giữa bầu trời hội nhập.
Cùng với những cánh cửa rộng mở là không ít cơn gió ngược. Sự phát triển nhanh chóng của thế giới khiến thanh niên đứng trước vô vàn áp lực: Cạnh tranh nghề nghiệp khốc liệt, yêu cầu kỹ năng ngày càng cao và nhịp sống số hóa dễ khiến con người mệt mỏi, hoang mang. Thách thức không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn từ chính bên trong: Khủng hoảng bản sắc, mất phương hướng lý tưởng sống, xu hướng chạy theo hào nhoáng, thiếu bền vững về tâm lý và giá trị.
Đặc biệt, trong dòng chảy văn hóa toàn cầu, khi văn hóa phương Tây dễ dàng len lỏi qua từng nền tảng mạng xã hội, một bộ phận thanh niên rơi vào tình trạng xa rời các giá trị truyền thống. Không ít người dần đánh mất cảm thức về cội nguồn, ngại nói tiếng Việt, không quan tâm đến di sản, và xem văn hóa dân tộc là “thứ cũ kỹ, lạc hậu”. Sự lai căng văn hóa, chủ nghĩa cá nhân cực đoan và văn hóa tiêu dùng thời thượng đang xói mòn dần các giá trị sống bền vững mà thế hệ trước từng nâng niu.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2023, gần 50% thanh niên được hỏi cảm thấy mơ hồ về định hướng sống và gần 1/3 trong số họ không thực sự hiểu rõ về truyền thống văn hóa dân tộc. Những con số ấy không phải để bi quan, mà là hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần thiết phải nhìn nhận lại môi trường văn hóa của người trẻ trong thời đại mới.
Trong bối cảnh đó, hành trang để thanh niên bước vào kỷ nguyên vươn mình không thể chỉ là bằng cấp, công nghệ hay kỹ năng kỹ thuật - mà cần là một nội lực văn hóa đủ sâu, đủ chắc. Chỉ khi có một nền tảng văn hóa vững vàng, người trẻ mới có thể tự tin vươn xa mà không lạc hướng, mở lòng đón nhận cái mới mà không bị hòa tan, hành động nhanh nhạy mà không mất gốc rễ tinh thần.
Kỷ nguyên mới đặt ra cho thanh niên Việt Nam một bài toán đầy thách thức nhưng cũng vô cùng vinh quang: Làm sao để vừa tiến thật xa, vừa giữ được mình? Câu trả lời nằm ở chính hành trình nuôi dưỡng và làm giàu hành trang văn hóa - thứ hành trang thầm lặng nhưng sẽ đi cùng họ suốt cả đời, trong từng lựa chọn, từng hành động và từng bước trưởng thành.
Hành trang văn hóa cần có đối với thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
Chính trong dòng chảy nhiều cơ hội nhưng cũng đầy bất ổn ấy, văn hóa nổi lên như một trụ cột định vị bản thân, giữ gìn bản sắc và dẫn đường cho thanh niên. Văn hóa không chỉ là di sản của quá khứ, mà còn là ánh sáng cho tương lai. Nó không tồn tại đơn lẻ trong bảo tàng, trong sách giáo khoa hay những lễ hội cổ truyền - mà sống động trong cách người trẻ suy nghĩ, lựa chọn, hành xử và hướng đến những giá trị tốt đẹp trong đời sống hiện đại.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói một câu đầy thuyết phục:“Thế hệ trẻ cần tự tin bước ra thế giới với hành trang là tri thức sâu rộng, thể chất khỏe mạnh và tâm hồn giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.” Ở đây, văn hóa không chỉ là một phần của hành trang - mà là phần cốt lõi, là nền móng giúp thanh niên hội nhập mà không bị hòa tan, phát triển mà không đánh mất chính mình.
Thật vậy, nếu thiếu văn hóa, người trẻ dù có học giỏi, thành đạt đến đâu cũng có thể trở nên trống rỗng trước những lựa chọn đạo đức, những biến động tâm lý, hay những ngã rẽ không tên trong cuộc sống. Một người trẻ biết làm chủ tri thức nhưng không biết giữ lời hứa, biết nói nhiều ngoại ngữ nhưng lại không biết cảm ơn, xin lỗi, không biết cúi đầu trước những giá trị thiêng liêng của dân tộc - liệu có thể gọi là người thành công thực sự?
Vì vậy, hành trang văn hóa mà thanh niên cần có trong kỷ nguyên vươn mình, trước hết phải là một bản sắc dân tộc được hun đúc từ bên trong, chứ không phải chỉ là những khẩu hiệu treo tường. Đó là sự hiểu biết sâu sắc và tình yêu chân thành với tiếng Việt, với lịch sử dân tộc, với những giá trị cốt lõi như lòng nhân ái, trung thực, kiên cường và nghĩa tình. Bản sắc ấy không nằm ở việc mặc áo dài hay nói “xin chào” bằng tiếng mẹ đẻ trong hội nghị quốc tế mà ở việc bạn có còn thấy xúc động khi nghe Quốc ca, có biết xót xa khi di sản bị lãng quên, có biết tự hào khi là người Việt giữa đất khách quê người.
Hành trang ấy còn cần có năng lực tư duy phản biện và tinh thần sáng tạo, để người trẻ không bị dẫn dắt bởi số đông, không a dua theo các trào lưu độc hại, mà biết suy nghĩ độc lập, dám nói điều đúng, dám làm điều mới. Một người trẻ có văn hóa không phải là người chỉ học thuộc lòng những điều đúng đắn, mà là người biết làm chủ chính mình giữa bối cảnh đầy mâu thuẫn và xô lệch.
Đi cùng với đó là lối sống nhân văn, là khả năng sống đẹp giữa cuộc sống bộn bề. Đó là cách bạn ứng xử với người khác, với môi trường, với cộng đồng. Là sự lịch thiệp trên mạng xã hội, là sự tử tế trong những điều nhỏ bé: Không xả rác bừa bãi, không buông lời cay nghiệt, biết lắng nghe và chia sẻ. Văn hóa không phải là điều gì to lớn, mà chính là “cái đẹp” trong cách sống mỗi ngày.
Trong thời đại số, hành trang văn hóa cũng cần bao hàm cả tinh thần công dân toàn cầu. Người trẻ cần giỏi tiếng Anh, hiểu biết các nền văn hóa khác, có tư duy quốc tế, làm việc được trong môi trường đa quốc gia. Nhưng “toàn cầu” không có nghĩa là “xa rời nguồn gốc”. Thậm chí, bạn chỉ thực sự có giá trị trong mắt bạn bè quốc tế khi bạn mang theo một bản sắc riêng. Giữa hàng triệu người trẻ biết code, làm AI hay thiết kế, bạn sẽ khác biệt khi mang theo câu chuyện về dòng sông quê, câu ca dao mẹ hát, hay món ăn dân dã được kể lại bằng công nghệ mới.
Thêm vào đó, không thể thiếu trong hành trang văn hóa là lý tưởng sống - một lý tưởng không viển vông, không giáo điều, mà được nuôi dưỡng bằng những câu hỏi rất thật: Mình đang sống để làm gì? Mình muốn để lại điều gì có ý nghĩa cho người khác? Mình đã làm được gì cho cộng đồng, cho đất nước, ngoài việc sống tốt cho riêng mình?
Thanh niên có thể chọn con đường riêng, ngành nghề riêng, phong cách riêng nhưng nếu không có lý tưởng, thì hành trình ấy dễ rơi vào vô định. Lý tưởng là ngọn đèn trong đêm, là điểm neo khi giông bão, là la bàn định hướng cho những bước đi về phía trước và chính văn hóa là thứ chắp cánh cho lý tưởng ấy bay xa.
Trong một thời đại mà những gì nhanh chóng dễ khiến người ta hấp tấp, những gì hào nhoáng dễ làm người ta quên mất cốt lõi thì hành trang văn hóa chính là điểm tựa, là vùng đất để người trẻ “cắm rễ mà vẫn vươn cao”. Nó không chỉ giúp thanh niên trở thành công dân có ích, mà còn giúp họ sống hạnh phúc, sâu sắc và ý nghĩa trong chính cuộc đời của mình và trong hành trình lớn hơn của dân tộc.
Xây dựng văn hóa cho thanh niên trong kỷ nguyên vươn mình
Văn hóa, nếu chỉ dừng lại ở nhận thức, sẽ mãi là những điều cao đẹp nằm trong sách vở. Văn hóa một khi được thổi vào đời sống, sẽ trở thành ánh sáng, thành khí chất, thành những điều tưởng nhỏ bé nhưng làm nên con người tử tế. Để điều đó xảy ra, không thể trông chờ vào một nỗ lực đơn lẻ. Hành trang văn hóa của thanh niên không thể tự hình thành trong khoảng trống, mà cần sự nuôi dưỡng, đồng hành từ gia đình, nhà trường, xã hội, và chính bản thân họ.
![]() |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tham dự Hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp tổ chức ngày 24/3/2025 |
Giải pháp đầu tiên cũng là lâu dài nhất chính là đặt lại trọng tâm cho giáo dục văn hóa. Không phải bằng cách chất thêm những tiết học khô khan hay dày thêm giáo trình lý luận mà bằng cách làm sống dậy văn hóa trong từng hoạt động học tập, trong mỗi trải nghiệm của người trẻ. Một buổi về nguồn tại một ngôi làng cổ, một tiết học ngoài trời tại bảo tàng dân tộc học, một dự án sáng tạo áo dài cho Gen Z hay thậm chí là một bài thuyết trình bằng rap dân gian - tất cả đều có thể là bài học văn hóa, nếu được tổ chức với sự sáng tạo và tâm huyết. Khi văn hóa không còn bị gán cho cái nhãn “cổ hủ”, mà trở thành một chất liệu nghệ thuật, một lối sống thời thượng, người trẻ sẽ không chỉ học mà còn yêu, gắn bó và tự hào.
Từ gia đình - nơi gieo mầm nhân cách đầu tiên - sự trở lại của những giá trị truyền thống không phải là quay về quá khứ, mà là để giữ lại cái hồn của hiện tại. Một bữa cơm đầy đủ thành viên, không có điện thoại nhưng có tiếng cười và những câu chuyện nhỏ. Một người ông kể cho cháu nghe chuyện Bác Hồ đi tìm đường cứu nước. Một người mẹ dạy con viết chữ nắn nót và cách chào lễ phép với người lớn. Những điều tưởng như đơn giản ấy, lại chính là nền gạch đầu tiên của hành trang văn hóa. Không ai sinh ra đã có văn hóa, nhưng ai cũng có thể học, nếu lớn lên trong môi trường tôn trọng, yêu thương và nuôi dưỡng những điều tử tế.
Còn xã hội - với vai trò là không gian sống rộng lớn nhất - cần tạo ra nhiều hơn những cơ hội để thanh niên “chạm” vào văn hóa. Đó là khi các địa phương tổ chức những tuần lễ văn hóa thanh niên, những trại sáng tạo nơi các bạn trẻ được kết nối qua nghệ thuật truyền thống và công nghệ mới. Đó là khi một trường đại học mở ra phòng sáng tác văn hóa đương đại do chính sinh viên quản lý. Đó là khi một dự án phi lợi nhuận dạy người trẻ làm phim tài liệu về làng quê mình. Và đó là khi những sáng kiến như “Mỗi phường một sản phẩm văn hóa số”, “Sân khấu học đường” hay “Di sản trong tầm tay” không còn là ý tưởng nằm trên giấy, mà trở thành nhịp sống quen thuộc của người trẻ.
Truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội cũng là một mảnh đất quan trọng để gieo hạt giống văn hóa. Ở đó, người trẻ đang có khả năng lan tỏa mạnh mẽ nhất - không phải chỉ những điều hào nhoáng, mà cả những giá trị sâu sắc. Một video kể chuyện về cây đa đầu làng, một podcast về văn hóa ứng xử nơi công cộng, một blog du lịch khám phá làng nghề thủ công... đều có thể chạm đến trái tim hàng triệu người, nếu được làm bằng sự chân thành. Đã đến lúc chính sách văn hóa cần đồng hành với sáng tạo trẻ, khuyến khích những nhà sáng tạo nội dung thế hệ mới mang theo hơi thở văn hóa dân tộc. Bởi muốn văn hóa sống được trong kỷ nguyên số, thì nó phải tìm được đường đi vào “thuật toán”.
Có lẽ quan trọng nhất thanh niên phải là người tự chủ động tìm lấy con đường văn hóa cho chính mình. Không ai có thể ép một người yêu văn hóa, nếu họ không thấy được sự cần thiết và ý nghĩa của điều đó. Nếu một người trẻ từng đứng giữa một ngôi chùa cổ, nghe câu chuyện hàng trăm năm, nhìn thấy sự lặng lẽ của thời gian, và cảm được sự thiêng liêng của ký ức - họ sẽ không thể nào thờ ơ. Nếu một người trẻ từng cầm chiếc áo dài do chính bà mình may, từng lắng nghe điệu quan họ giữa trời mưa phùn tháng Giêng, từng đứng trước tháp Chăm cổ ngàn năm và nghĩ về sự trường tồn - họ sẽ hiểu, văn hóa không phải là lựa chọn. Đó là máu chảy trong mình.
Chọn sống có văn hóa, không phải là chọn sống an toàn, mà là chọn sống có gốc, có chiều sâu và có bản lĩnh. Văn hóa giúp người trẻ biết đi nhanh nhưng không quên nhìn lại, biết vươn xa nhưng không quên mình từ đâu đến. Khi mỗi thanh niên Việt Nam mang theo trong mình một hành trang văn hóa vững vàng thì dân tộc này sẽ không chỉ vươn mình, mà sẽ bước đi vững chắc, tự tin và đầy kiêu hãnh trên con đường đi đến tương lai.
Chúng ta có thể thấy rằng, trong dòng chảy lớn của lịch sử, mỗi thế hệ đều mang theo một phần trách nhiệm của dân tộc. Nếu cha ông đã đi qua bom đạn để giữ lấy non sông thì thế hệ trẻ hôm nay mang một sứ mệnh không kém phần thiêng liêng: Đưa Việt Nam vươn lên, sánh vai cùng thế giới bằng tri thức, bằng khát vọng, và trên hết, bằng một nền tảng văn hóa vững vàng.
Thế giới đang chuyển động nhanh chưa từng có. Công nghệ đang làm lại cách ta học, sống và làm việc. Biên giới vật lý dần mờ nhạt, nhưng chính vì thế mà ranh giới văn hóa - ranh giới của căn tính, của bản sắc - càng cần được giữ gìn, như giữ lấy phần hồn của dân tộc giữa một thế giới nhiều sắc màu. Thanh niên Việt Nam hôm nay là lớp người tiên phong trong hành trình ấy. Và để đi xa, đi bền vững, họ cần một hành trang không thể thiếu: Hành trang văn hóa.
Đó không phải là thứ được đóng gói sẵn, cũng không phải điều có thể truyền đạt bằng mệnh lệnh. Hành trang ấy cần được vun đắp qua năm tháng, qua từng trải nghiệm, qua sự đồng hành kiên nhẫn của gia đình, nhà trường, cộng đồng và trên hết, qua nỗ lực tự thân của người trẻ. Nó bắt đầu từ những điều nhỏ bé: Biết nói lời cảm ơn, biết xếp hàng, biết trân trọng sự khác biệt, biết yêu những điều giản dị từ quê hương. Rồi nó sẽ lớn dần, thành bản lĩnh, thành lý tưởng, thành cốt cách - như một bóng cây lớn vươn tán ra thế giới, nhưng rễ vẫn ăn sâu trong lòng đất mẹ.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói một cách đầy tâm huyết: “Đầu tư và phát triển thế hệ trẻ trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu trong giai đoạn mới". Đầu tư lớn nhất, bền vững nhất, chính là giúp người trẻ kiến tạo nên một hệ giá trị văn hóa sống động, sâu sắc và giàu bản sắc.
Bởi chỉ khi thanh niên mang theo hành trang văn hóa bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam mới có thể vươn mình không chỉ về chiều cao của những tòa nhà, những con số GDP, mà còn vươn lên về chiều sâu của một dân tộc biết giữ hồn, giữ gốc và giữ mình.
Khi ấy, từng bước đi của người trẻ sẽ không đơn độc. Họ sẽ bước đi cùng lịch sử, cùng bản sắc, và cùng những khát vọng đã được nuôi lớn qua bao thế hệ. Họ sẽ không chỉ sống cho hiện tại, mà còn gieo mầm cho tương lai - một tương lai Việt Nam hùng cường, nhân văn và tỏa sáng bằng chính những giá trị văn hóa bền vững nhất.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chương trình nghệ thuật "Đảng trong mùa xuân đại thắng": Những xúc cảm chạm tới trái tim

Khi thời trang xa xỉ gặp gỡ làn sóng văn hóa trẻ

Không gian nghệ thuật 39 tác phẩm "Đà Nẵng gấm hoa”

Hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"

Báo chí tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng văn hóa Thủ đô

Khám phá vẻ đẹp Quảng Ngãi qua 200 tác phẩm ảnh nghệ thuật

Quảng Nam vang mãi bản hùng ca

Con người ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô

Hơn 300 bức ảnh tái hiện sinh động “Đà Nẵng - xưa và nay”
